|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ván cược tồi của người giàu nhất thế giới

07:56 | 28/08/2024
Chia sẻ
Những lợi thế mà Tesla được hưởng khi mở nhà máy tại Trung Quốc đang trở thành con dao hai lưỡi khi EU và Canada quyết định tăng thuế quan lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla. (Ảnh: Readwrite.com). 

Đặc quyền chưa từng có

Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, là người hâm mộ nhiệt thành của Trung Quốc. Ông nhiều lần ca ngợi nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, thậm chí có lúc còn khẳng định dân Trung Quốc chăm chỉ và thông minh, trong khi đó dân Mỹ lại tự mãn và hay đòi hỏi. Hiếm có vị doanh nhân phương Tây nào lại dành nhiều lời khen ngợi về Trung Quốc đến thế.

Cái nhìn tích cực của Elon Musk đối với Trung Quốc là điều dễ hiểu, bởi quốc gia này là thị trường lớn thứ hai của Tesla, chiếm 22,5 % doanh thu của công ty trong năm 2023.

Vào năm 2015, Tesla chỉ bán được 3.700 chiếc ô tô tại Trung Quốc, thua xa các tay chơi nội địa. Rào cản lớn nhất của Tesla là sản xuất hoàn toàn tại Mỹ và do đó công ty không được hưởng các chính sách trợ cấp xe điện của chính phủ Trung Quốc.

Năm 2017, cách tiếp cận của Tesla với thị trường Trung Quốc có sự thay đổi lớn. Các lãnh đạo của công ty tỏa đi khảo sát các nơi để tìm địa điểm đặt nhà máy. Đáng chú ý là Elon Musk yêu cầu Tesla phải được quyền kiểm soát 100% hoạt động ở Trung Quốc để bảo vệ tài sản trí tuệ và thương hiệu.

Đây là đòi hỏi rất lớn, bởi kể từ thập niên 1990, Trung Quốc đã cấm doanh nghiệp ô tô ngoại thành lập các đơn vị thuộc sở hữu hoàn toàn của họ. Thay vào đó, doanh nghiệp ngoại phải mở liên doanh với các công ty Trung Quốc, chia sẻ doanh thu, công nghệ và chuyên môn.

 

Song, Elon Musk đã chọn thời điểm rất tốt. Khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trở nên căng thẳng và Bắc Kinh muốn có một tin vui để thể hiện rằng doanh nghiệp Mỹ vẫn muốn đến Trung Quốc. Tesla hiểu điều đó và đã thương thảo thành công.

Vào tháng 7, Tesla ký kết thỏa thuận với chính quyền Thượng Hải để xây dựng siêu nhà máy có khả năng sản xuất 500.000 chiếc xe mỗi năm. Các ngân hàng nhà nước cung cấp khoản vay trị giá hàng tỷ USD cho Tesla với lãi suất thấp.

Nhà máy được hoàn thiện với tốc độ đáng kinh ngạc, nhờ các trợ giúp của chính quyền Thượng Hải như đẩy nhanh quy trình cấp giấy tờ, Bloomberg cho hay.

Siêu nhà máy Thượng Hải bắt đầu xuất xưởng xe điện vào cuối năm 2019, chưa đầy một năm sau khi nhà máy khởi công. Xe Tesla cũng được hưởng các khoản miễn thuế và trợ cấp mua ô tô.

Đổi lại sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc, Tesla dùng thương hiệu và kiến thức chuyên môn của mình để thu hút người tiêu dùng Trung Quốc chuyển đổi sang xe điện. Đồng thời, sự hiện diện của Tesla sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất xe điện và phụ tùng Trung Quốc cải thiện bản thân và tăng cường sức cạnh tranh.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Tuy nhiên, những ngày tháng tốt đẹp của Tesla tại Trung Quốc không kéo dài mãi. Vào tháng 2/2021, các cơ quan chính phủ Trung Quốc triệu tập ban lãnh đạo Tesla để thảo luận về chất lượng và tính an toàn của xe điện Tesla.

Cuộc trao đổi xoay quanh các phản ánh của người tiêu dùng về hiện tượng xe tăng tốc bất thường và pin bị cháy. Sau đó, Tesla ra tuyên bố thể hiện sự hối lỗi sâu sắc về những vấn đề này.

4 tháng sau, chính phủ Trung Quốc ra lệnh triệu hồi gần như toàn bộ số xe Tesla đã bán ở nước này - hơn 285.000 chiếc - để khắc phục lỗi phần mềm. Cùng lúc đó, một số cơ sở chính phủ cũng cấm xe Tesla vì lo ngại chúng có thể gửi dữ liệu về Mỹ.

Một số người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu trở nên hoài nghi về chất lượng xe Tesla. Tới thời điểm này, các hãng xe nội địa đã nâng cao được năng lực kỹ thuật và cho ra đời những mẫu xe đẹp mắt.

Vai trò của Tesla trong việc thúc đẩy các công ty nội địa không còn quan trọng như trước. Trên thực tế, Tesla còn bắt đầu gặp nguy hiểm vì những đối thủ này.

 

Cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu vào năm 2021 khiến nền kinh tế Trung Quốc và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Cuối năm 2022, Elon Musk châm ngòi cho cuộc chiến giá xe điện ở Trung Quốc bằng cách hạ giá đáng kể các mẫu xe Tesla nhằm nỗ lực giành thị phần.

Tuy nhiên, động thái này vấp phải phản ứng dữ dội, hàng trăm khách hàng còn kéo đến cửa hàng và showroom của Tesla để chỉ trích. Biên lợi nhuận của Tesla cũng giảm sút rõ rệt.

Thị phần của Tesla đi xuống, trái với kỳ vọng của Elon Musk. Theo tính toán của Bloomberg, tại thời điểm quý IV/2023, thị phần của Tesla tại Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 6,7%, thấp hơn hẳn mức 10,5% trong quý đầu năm.

Khổ vì thuế quan

Gần đây hơn, Tesla còn bị liên lụy vì căng thẳng thương mại ngày càng lớn giữa châu Âu và Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ áp thuế 19% đối với xe điện Tesla sản xuất tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Tesla phải chịu mức thuế bổ sung 9% bên cạnh thuế suất 10% áp dụng cho tất cả ô tô sản xuất ở nước ngoài.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Tesla yêu cầu EU tiến hành một cuộc điều tra riêng với hy vọng hãng không phải chịu mức thuế cao như các công ty Trung Quốc. Một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD và Geely sẽ bị đánh thuế lên đến 47%, theo tờ Financial Times.

Brussels đánh giá hoạt động của Tesla ở Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp cho đất đai, thuế thu nhập và những trợ giúp khác từ Bắc Kinh, ví dụ như mức giá ưu đãi khi mua pin.

Vào ngày 26/8, chính phủ Canada cũng thông báo sẽ áp thuế quan 100% lên xe điện Trung Quốc, nối bước Mỹ và EU. Không như lập trường tương đối mềm mỏng của EU với Tesla, một quan chức chính phủ Canada cho biết mức thuế mới sẽ áp dụng với mọi xe điện được xuất khẩu từ Trung Quốc, bao gồm Tesla.

Theo tờ Reuters, số lượng ô tô nhập khẩu cập bến tại Vancouver - cảng lớn nhất Canada - đạt 44.356 chiếc vào năm 2023, tương ứng mức tăng 460%. Đó chính là khoảng thời gian Tesla bắt đầu bán xe điện sản xuất ở Thượng Hải sang Canada.  

Mối lo chính của chính phủ Canada không phải Tesla mà là viễn cảnh ô tô giá rẻ của các nhà sản xuất Trung Quốc tràn vào nước này. Tuy nhiên, Tesla vẫn phải chịu vạ lây.

Ông Seth Goldstein, nhà phân tích cổ phiếu tại Morningstar, dự kiến Tesla sẽ phải thay đổi logistics và có thể sẽ xuất khẩu ô tô từ Mỹ sang Canada thay vì Trung Quốc.

Giá cổ phiếu Tesla, hãng xe lớn nhất trên thế giới theo vốn hóa, giảm 3,2% trong phiên 26/8. Ông Goldstein bình luận: “Có thể thị trường đang cân nhắc tác động tiềm tàng đến lợi nhuận của Tesla nếu hãng phải xuất khẩu xe sang Canada từ Mỹ, nơi có chi phí sản xuất cao hơn Trung Quốc”.

Giang

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.