|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viconship muốn phát hành 121 triệu cổ phiếu để mua cảng Nam Hải Đình Vũ

11:33 | 20/02/2023
Chia sẻ
Viconship dự kiến chi 2.250 tỷ đồng để thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ. Trong đó, 1.050 tỷ đồng được công ty huy động từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân. 1.200 tỷ đồng còn lại đến từ đợt chào bán riêng lẻ.

CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship – Mã: VSC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong đó, có dự thảo về phương án phát hành hơn 121 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phần được mua 1 cổ phiếu mới) và cổ phiếu sẽ được tự do chuyển nhượng.

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 66% giá chốt phiên ngày 17/2 là 29.500 đồng/cp. Thời gian chào bán dự kiến là trong năm nay.

Số tiền thu được từ đợt chào bán, chủ yếu được công ty dùng để đầu tư chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển có trụ sở ở thành phố Hải Phòng (công ty mục tiêu) thông qua hoạt động chuyển nhượng góp vốn.

Viconship cho biết, tổng vốn đầu tư dự kiến vào công ty mục tiêu là 2.250 tỷ đồng. Trong đó, 1.050 tỷ đồng được công ty huy động từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân. 1.200 tỷ đồng còn lại được huy động từ đợt chào bán riêng lẻ.

Phương án sử dụng vốn của Viconship. (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023).

Trong báo cáo mới đây về ngành cảng biển, Chứng khoán BSC tiết lộ, ngày 31/12/2022, CTCP Gemadept (Mã: GMD) nhận được khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng để mua cổ phần của Gemadept tại cảng Nam Hải Đình Vũ (công ty này có trụ sở ở thành phố Hải Phòng). Đối tác đặt cọc là CTCP Container Việt Nam, thương vụ dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.

Nếu thành công, Viconship sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất 2,6 triệu TEUS (tăng 36% so với cùng kỳ), chiếm 30% thị phần.

 Nguồn: BSC.

Ngoài ra, Viconship còn có tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10:1 (10 cổ phiếu nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm). Cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Theo đó, công ty dự kiến phát hành là hơn 12 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện là trong năm nay. Nguồn vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế theo BCTC kiểm toán năm 2022 sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong buổi họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Viconship dự kiến miễn nhiệm và bầu bổ sung hai thành viên HĐQT, miễn nhiệm và bầu bổ sung hai thành viên Ban Kiểm soát.

BCTC năm 2022 của Viconship đã được kiểm toán.(Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023).

Dự kiến lợi nhuận năm 2023 giảm 46% so với 2022

Nhận định về năm 2023, Viconship cho rằng, cạnh tranh trong các mảng dịch vụ chính của công ty vẫn hiện hữu, điển hình như mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng trong năm 2023 khi Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) hoàn thành nạo vét đón tàu cỡ lớn chia sẻ nguồn hàng với các cảng feeder truyền thống.

Kinh tế thế giới giảm phát đặc biệt các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU... dẫn tới dư thừa tàu vận chuyển và container rỗng. Các hãng tàu phải tạm thời dừng hoặc tái cơ cấu lại tuyến dịch vụ tại Hải Phòng. Tuy nhiên, các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản và nội Á vẫn duy trì ổn định, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam sẽ là nền tảng cho các cảng feeder trong nửa cuối 2023 và các năm tiếp theo.

Do đó, Viconship đặt mục tiêu 2.250 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, cao hơn năm 2022 12% (2.008 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế là 260 tỷ đồng, thấp hơn 46% kết quả năm trước (478 tỷ đồng). Mức cổ tức dự kiến năm 2023 là 10% vốn điều lệ.

Lý giải về kế hoạch kinh doanh, Viconship cho rằng, chỉ tiêu tài chính năm nay của công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình đầu tư nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển (dự kiến khoảng 200 tỷ đồng) và lỗ khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết (dự kiến khoảng 40 tỷ đồng).

Lâm Anh

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.