|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BSC: Viconship sẽ thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng nếu hoàn tất mua Nam Hải Đình Vũ

16:12 | 10/02/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá của BSC, Viconship sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất khu vực Hải Phòng năm 2023 nếu mua lại thành công cảng Nam Hải Đình Vũ từ Gemadept.

Trong báo cáo triển vọng ngành 2023, BSC Research nhận định, sản lượng container toàn ngành cảng biển sẽ tăng trưởng yếu với mức tăng 3 - 4% so với năm trước do các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản được dự báo tiếp tục giảm tốc, kéo theo xuất nhập khẩu chậm lại trong thời gian tới.

Theo thống kê, 11 tháng năm 2022, sản lượng container toàn ngành đạt 23 triệu TEUS, tăng 5% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ đi mức nền thấp trong tháng 8, tháng 9 thì sản lượng container chỉ tăng 2 – 3% so với cùng kỳ.

Tại khu vực Cái Mép Thị Vải, ngoại trừ Cảng Quốc tế Gemalink tăng 43% so với năm trước do mức cơ sở thấp vì mới đi vào khai thác năm 2021 thì đa số các cảng giảm từ 3 - 5% so với cùng kỳ do đơn hàng đi EU, Mỹ chậm lại.  

Đặc biệt, một số cảng có vị trí kém thuận lợi hơn như Cảng Container Quốc tế SP-SSA (SSIT) đã phải tiếp nhận một lượng lớn container rỗng trong bối cảnh xuất nhập khẩu khó khăn.

Tại khu vực Hải Phòng, ngoại trừ Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) tăng 71% so với năm trước do mức cơ sở thấp trong năm 2021, thì các cảng còn lại tại Sông Cấm chỉ tăng 1% so với cùng kỳ.

Trong 11 tháng năm 2022, sản lượng container toàn ngành đạt 23 triệu TEUS, tăng 5% so với cùng kỳ. (Nguồn: BSC)

Sang năm 2023, BSC Research cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ tháng 1 cũng không tác động quá lớn về sản lượng container toàn ngành Việt Nam do bản chất nhu cầu cuối tại Mỹ và EU đang rất yếu. Tính đến tháng 12/2022, đơn vị phân tích vẫn chưa nhìn thấy các tín hiệu phục hồi về nhu cầu từ thị trường Mỹ, EU.

Cụ thể, số lượng đơn hàng của Mỹ tại Trung Quốc đang giảm 30 - 40% so với cùng kỳ trong tháng 12/2022. Sản lượng container từ Trung Quốc đi Mỹ vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ tháng 5/2022.

 Sản lượng container từ Trung Quốc đi Mỹ vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ tháng 5/2022.

Ngoài ra, BSC Research còn nhận định, năm 2023, vị thể các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng sẽ thay đổi đáng kể như việc CTCP Gemadept (Mã: GMD) dự kiến thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Tại ngày 31/12/2022, Gemadept đã nhận được khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng.

Đơn vị phân tích cho rằng, đối tác mua là CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) và thương vụ dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Nếu thành công, Viconship sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất 2,6 triệu TEUS (tăng 36% so với cùng kỳ), chiếm 30% thị phần.

 Nguồn: BSC.

Ngược lại, Gemadept sẽ không còn quá nhiều dư địa tăng trưởng tại Hải Phòng sau thương vụ do các cảng cơ bản đã được lấp đầy. Như vậy, tổng công suất của công ty dự kiến là 1,2 triệu TEUS (giảm 15% so với cùng kỳ), chiếm 14% thị phần, đã bao gồm dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đi vào hoạt động.

Còn đánh giá chung về ngành cảng biển, BSC Research cho rằng, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cảng biển vẫn sở hữu các tài sản có giá trị, ngành cảng biển Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dài hạn 7 - 10% so với cùng kỳ nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Việt Nam. 

Lâm Anh