|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VIC tăng kịch trần sau phiên chào sàn bùng nổ của cổ phiếu VinFast trên Nasdaq

11:17 | 16/08/2023
Chia sẻ
Với thị giá hiện tại, vốn hoá Tập đoàn Vingroup đạt hơn 288.333 tỷ đồng, vượt qua Vinhomes và BIDV để xếp thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau vốn hóa của Vietcombank với hơn 499.100 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu VIC từ giữa tháng 4/2023. (Nguồn: VNDirect). 

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (16/8), cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần tăng trần (6,9%) lên 75.600 đồng/cp, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 11 triệu đơn vị và khối lượng dư mua giá trần gần 4 triệu đơn vị.

Tính đến 11h00, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,5 triệu đơn vị và dư mua gần 6,3 triệu cổ phiếu tại mức giá trần. Với thị giá trên, vốn hoá Tập đoàn Vingroup đạt hơn 288.333 tỷ đồng, vượt qua Vinhomes và BIDV để xếp thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ đứng sau vốn hóa của Vietcombank với hơn 499.100 tỷ đồng.

Với vốn hóa lớn, VIC đang hỗ trợ đắc lực gần 5 điểm cho đà tăng hơn 8,5 điểm của VN-Index, giúp chỉ số hiện ở mức 1.242,63 điểm.

 Top cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index phiên sáng ngày 16/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Diễn biến khởi sắc của VIC được chứng kiến sau khi cổ phiếu VinFast (VFS) được giao dịch trên sàn Nasdaq sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition.

Trái ngược với đà giảm của thị trường, cổ phiếu VinFast đã giao dịch thăng hoa, tăng tới hơn 68% trong phiên. Cổ phiếu VFS mở cửa ở mức 22 USD/cp và tăng mạnh lên 37,06 USD/cp vào cuối ngày. Cổ phiếu của Black Spade Acquisition chốt phiên ngày 14/8 ở mức 10,45 USD. 

Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là hơn 2,3 tỷ đơn vị, quy mô vốn hóa của VinFast đã đạt hơn 85 tỷ USD thời điểm chốt phiên.

Với mức định giá trên, VinFast đang trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 trên thế giới, hơn cả những tên tuổi từ Đức như Mercedes, BMW hay Volkswagen. Nếu chỉ xét trong lĩnh vực xe điện(EV), vốn hóa của Vinfast chỉ thua kém hai công ty là Tesla và BYD.

Thu Thảo

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.