Chứng khoán sôi động kích hoạt 'game' tăng vốn, phát hành
TTCK khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chào bán cổ phiếu
2022 là năm khó khăn của thị trường khoán (TTCK) khi thanh khoản suy yếu và thị giá hàng loạt cổ phiếu lao dốc. Môi trường bất lợi khiến không ít doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy phương án phát hành cổ phiếu đã dự định trước đó.
Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi từ đầu năm 2023 và thị trường ngày càng khởi sắc từ tháng 5 đến nay. Hầu hết cổ phiếu trên sàn đều hồi phục, VN-Index tăng 31% kể từ đáy vào tháng 11/2022 đến giữa tháng 8/2023, thanh khoản ngày càng cải thiện trong hai tháng gần nhất (tháng 7 và 8) khi có nhiều phiên ghi nhận giá trị giao dịch vượt tỷ USD - điều chỉ từng xuất hiện vào giai đoạn cuối 2021 đến đầu 2022.
Trong bối cảnh thị trường thuận lợi hơn trước, nhiều doanh nghiệp muốn triển khai chào bán cổ phiếu nhằm huy động vốn. Đây được cho là một phương án phù hợp, khi kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp - vốn “đóng băng” từ cuối 2022 đến đầu 2023 - vẫn chưa thu hút nhà đầu tư trở lại.
Làn sóng tăng vốn qua chào bán cổ phiếu đã diễn ra từ đầu năm 2023 và tiếp tục nở rộ trong tháng 7 đến giữa tháng 8. Theo thống kế của người viết, có hơn 11 công ty cổ phần và ngân hàng trên sàn đã công bố phương án triển khai phát hành cổ phiếu theo hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, phát hành ESOP hay phát hành cổ phiếu để trả cổ tức giai đoạn trên. Trong đó, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ chiếm khối lượng nhiều nhất.
VNDirect và TPS “phả thêm hơi nóng” vào cuộc đua tăng vốn nhóm công ty chứng khoán
Xét theo khối lượng, các lĩnh vực huy động nhiều nhất thuộc về bất động sản và chứng khoán. Sau giai đoạn chững lại, cuộc đua tăng vốn tại các công ty chứng khoán lại nóng lên kể từ sau mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Việc chào bán cổ phiếu qua đó tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp các công ty chứng khoán sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh do vốn chủ sở hữu có liên quan mật thiết tới các nghiệp vụ cốt lõi như cho vay ký quỹ (margin) hay tự doanh.
Theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay margin tối đa không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu; với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu hay dư nợ một mã cổ phiếu không được quá 10% vốn chủ sở hữu của một công ty chứng khoán.
Cổ đông đã chấp thuận nhiều chủ trương tăng vốn qua phát hành hàng chục triệu đến hàng trăm triệu cổ phiếu như tại Chứng khoán VNDirect (Mã; VND), Chứng khoán Techcom (TCBS), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI), Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS), Chứng khóan MB (Mã: MBS), Chứng khoán BIDV (Mã: BSI),…
VNDirect hiện có vốn điều lệ lớn thứ ba trên thị trường (SSI dẫn đầu với 15.011 tỷ đồng, VPBankS xếp thứ hai với 15.000 tỷ đồng). Vào cuối tháng 7, hội đồng quản trị (HĐQT) đã thông qua việc triển khai thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, thực hiện trong 2023 đến 2024. Cụ thể, công ty chứng khoán này muốn chào bán 243,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20%. VNDirect cũng sẽ phát hành gần 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5%.
Ngoài ra, theo ĐHĐCĐ thường niên của VNDirect còn thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cổ phiếu và chào báo hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP. Tính chung cả 4 phương án, công ty này muốn phát hành tổng cộng 585 triệu đơn vị, nâng vốn lên mức 18.000 tỷ đồng. Trong đó, hai phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ chiếm chủ yếu, với 478 triệu đơn vị ở giá 10.000 đồng/cp.
Ở hai vị trí dẫn đầu về vốn, Chứng khoán SSI cũng dự định sẽ nâng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng qua chào bán 104 triệu cổ phiếu; còn Chứng khoán VNBank (VPBankS) cho biết sẽ phát hành ESOP.
Hòa chung cuộc đua, vào đầu tháng 8, Chứng khoán TPS vừa thông báo báo triển khai thực hiện phương án chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, TPS sẽ chào bán 100 triệu đơn vị, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, với giá 10.000 đồng/cp. Qua đó, công ty dự kiến huy động 1.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các nghiệp vụ.
Theo kế hoạch cổ đông thông qua, công ty chứng khoán này sẽ còn chào bán thêm 100 triệu đơn vị nữa, nhằm mục tiêu nâng vốn điều lệ lên mức 4.000 tỷ đồng.
C.E.O huy động vốn đầu tư dự án bất động sản, Hodeco tìm hướng trả nợ ngân hàng
Ngay sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần một tổ chức bất thành, Tập đoàn C.E.O (Mã: CEO) đã đẩy nhanh việc phát hành hơn 257 triệu cổ phiếu nhằm huy động vốn cho dự án Sonasea Residences. Công ty bất động sản đã chốt danh sách tham gia đợt chào bán hơn 252 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào 20/7, tỷ lệ thực hiện là 100:98.
Ngoài ra, công ty cũng muốn phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP. Phương án phát hành hơn 257 triệu đơn vị đã được đại hội thông qua. Tuy nhiên, phải đến trước khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 (vào 30/6), công ty mới công bố phương án triển khai này. Số tiền 2.573 tỷ đồng dự kiến thu được từ hai phương án, công ty cho biết dử dụng đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn lưu động cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Cũng ở lĩnh vực bất động sản, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã: HDC) vừa công bố phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1.000:148) cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Phương án này sẽ thực hiện từ quý IV/2023 đến quý I/2024. Giá chào bán là 15.000 đồng/cp, tương ứng với việc huy động tối đa 300 tỷ đồng.
Số tiền này Hodeco sẽ dùng thanh toán nợ vay gốc và lãi tại ngân hàng gồm BIDV (76 tỷ đồng), PGBank (91 tỷ đồng), TPBank (54 tỷ đồng) và Vietcombank (80 tỷ đồng). Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ vay tài chính của Hodeco là 1.676 tỷ đồng, giảm không đáng kể (giảm 14 tỷ) so với đầu năm và chiếm 37% nguồn vốn. Khoảng 80% trong đó là vay ngân hàng.
Sữa Quốc tế chào bán riêng lẻ với giá hơn 254.000 đồng/cp
Nếu xét theo giá chào bán, Sữa Quốc tế (Mã: IDP) đang là đơn vị đưa ra mức cao nhất. Công ty công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ 2,4 triệu đơn vị với giá 254.044 đồng/cp, tương ứng với huy động 611 tỷ đồng. Nhà đầu tư duy nhất sẽ mua toàn bộ lượng cổ phiếu này là Daytona Investments (trụ sở ở Singapore). Nếu giao dịch thành công, Daytona Investments sẽ nâng sở hữu từ 8,99% lên 12,6% vốn điều lệ tại Sữa Quốc tế. Thương vụ dự kiến diễn ra từ quý II đến quý III.
Về phương án sử dụng vốn thu được, doanh nghiệp sữa dự kiến dùng 230 tỷ đồng mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh; bổ sung vốn lưu động (hơn 140 tỷ đồng); trả nợ vay BIDV (100 tỷ đồng); trả nợ vay Vietinbank (100 tỷ đồng); và thanh toán chi phí marketing (gần 41 tỷ đồng).
Ngoài những cái tên kể trên, nhiều doanh nghiệp khác đã thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phần (cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ) như Chứng khoán Smart Invest (Mã: AAS), Chứng khoán DSC, Ngân hàng Bản Việt, Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G)...
Trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý này thông báo nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của một số tổ chức từ đầu tháng 7 đến nay như Chứng khoán Nhất Việt, Sữa Quốc tế (IDP), Xây dựng số 9 (Mã: VC9), Cảng Đoạn Xá...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/