|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cần quản trị vốn ra sao khi thị trường bước vào vùng cản mạnh?

07:20 | 16/08/2023
Chia sẻ
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích VDSC, sự điều chỉnh trên thị trường trong thời gian tới có thể sẽ không diễn ra trên diện rộng mà sẽ phân hóa. Xu hướng chốt lời sẽ diễn ra ở những nhóm ngành đã tăng mạnh và dòng tiền có thể sẽ luân phiên tìm đến những nhóm ngành vẫn có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhưng P/E vẫn còn ở mức hợp lý.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang có những yếu tố tích cực dần lên thì thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi mạnh mẽ lên trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Thanh khoản trung bình đạt trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước, thị trường đang ở một vùng định giá cao hơn, đồng nghĩa với các rủi ro cũng sẽ tăng lên. Chính vì vậy điều mà các nhà đầu tư đang quan tâm vào lúc này là cách quản trị dòng vốn đầu tư khi thị trường bước vào vùng cản.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trong Talkshow “Phố Tài chính”, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết trong nửa đầu năm 2023, nhờ nút thắt tâm lý được cởi bỏ cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân một lần nữa được kích hoạt và giúp cho các chỉ số thị trường trải qua nhiều tuần liên tiếp tăng điểm mạnh.

Sau các đợt tăng này, định giá P/E của thị trường tăng từ 10 – 12 lần lên mức tiệm cận 15 lần. Đây là một mức tăng rất mạnh, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp thực tế chưa có nhiều khởi sắc. Do đó, bà Lam nhận định e ngại của nhà đầu tư cá nhân hiện tại là hoàn toàn hợp lý.

“Trong ngắn hạn, cụ thể là tháng 8 và tháng 9 khi thị trường đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ và chỉ số đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua thì việc điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh nhìn chung chưa có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có sự phân hóa rất lớn về P/E của các nhóm ngành. Do vậy tôi cho rằng việc điều chỉnh trên thị trường có thể sẽ không diễn ra trên diện rộng mà sẽ phân hóa.

Xu hướng chốt lời sẽ diễn ra ở những nhóm ngành đã tăng mạnh và dòng tiền có thể sẽ luân phiên tìm đến những nhóm ngành vẫn có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhưng P/E vẫn còn ở mức hợp lý. Điều này sẽ giúp cân bằng lại cho thị trường và sẽ khiến cho các nhịp điều chỉnh nếu diễn ra sẽ không quá mạnh”, bà Lam chia sẻ.

Còn theo quan điểm của ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) các nhà đầu tư ở Việt Nam phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân. Dòng tiền này tham gia vào thị trường mang tính chất ngắn hạn nhiều hơn là dài hạn. Do đó, với mặt bằng giá hiện tại thì P/E của thị trường không còn quá thấp, hiện quanh ngưỡng 17 lần.

Số liệu của một số đơn vị cung cấp dữ liệu đưa ra con số quanh mức 15, không còn quá hấp dẫn nếu xét ở góc độ đầu tư trong giai đoạn bình thường. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các nhà đầu tư đang có một kỳ vọng rằng khi nền kinh tế phục hồi các doanh nghiệp sẽ thuận lợi và sẽ tăng trưởng lợi nhuận trở lại, cơ hội đầu tư là vẫn còn.

Bàn về phương pháp quản trị vốn đầu tư, Giám đốc Trung tâm Phân tích VDSC cho rằng trước hết nhà đầu tư cần xác định được khả năng chấp nhận rủi ro cũng như nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn ngắn hạn hay dài hạn. Khi những thông tin mà nhà đầu tư kỳ vọng về doanh nghiệp đã được công bố thì đó cũng là lúc có thể cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận.

Ngược lại nếu nguồn vốn đầu tư mang tính dài hạn thì nhà đầu tư cần có đánh giá kỹ hơn về khả năng duy trì lợi nhuận cũng như khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong tương lai.

Cũng theo bà Lam, thời gian sắp tới vẫn còn rất nhiều câu chuyện có thể trở thành xúc tác cho việc đầu tư cổ phiếu như đẩy mạnh đầu tư công với những nhóm ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng hay câu chuyện lãi suất giảm với các ngành có độ nhạy cao với lãi suất; câu chuyện phục hồi của kinh tế thế giới với các ngành liên quan tới xuất khẩu hoặc chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng liên quan đến các nhóm ngành hàng tiêu dùng.

“Tôi cho rằng kịch bản này có thể tiếp diễn trong thời gian sắp tới, tuy nhiên nhà đầu tư nên lưu ý rằng khi giá đã tăng mạnh mà không có các chuyển biến tích cực về nội tại doanh nghiệp thì các nhóm cổ phiếu đó cũng sẽ chỉnh rất nhanh, đặc biệt là trong khoảng thời gian trống thông tin hỗ trợ. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới việc đầu tư cần sự linh hoạt hơn theo diễn biến dòng tiền và nhà đầu tư cần xác định trước vùng mua cũng như mức sinh lời kỳ vọng”, bà Lam chia sẻ.

Linh Chi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.