Vì sao Trung Quốc muốn xây đường hầm dài nhất thế giới nối với Đài Loan?
Theo RT, tuyến đường hầm qua biển nối Trung Quốc với Đài Loan sẽ kéo dài 135 km. Vận tốc di chuyển của các đoàn tàu trong hầm lên tới 250 km/h. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Trung Quốc muốn xây đường hầm dài nhất thế giới nối với Đài Loan để nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng hợp nhất Đài Bắc vào đại lục. |
Dự án đầy tham vọng của Trung Quốc có thể nằm ở độ sâu 200 m dưới lòng biển. Để cung cấp đủ không khí trong đường hầm, các kỹ sư Trung Quốc có kế hoạch tạo ra hai đảo nhân tạo giữa eo biển để làm nơi đặt trạm xử lý không khí và sau đó bơm không khí trong lành vào trong đường hầm, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Tuyến đường hầm này sẽ cho phép các đoàn tàu di chuyển từ huyện Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc tới thành phố Tân Trúc nằm ở phía tây nam Đài Bắc trong khoảng thời gian 32 phút. Công trình thế kỷ của Trung Quốc được cho lấy cảm hứng từ đường hầm Channel Tunnel nối Anh với Pháp.
Tuy nhiên, một khi dự án của Trung Quốc hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ dài gấp 3,5 lần so với hầm đường sắt dưới biển dài nhất thế giới hiện nay là Channel Tunnel. Theo đó, chiều dài tuyến đường hầm Channel Tunnel là 50,5 km.
Channel Tunnel phải mất tới 6 năm để xây dựng với khoản chi phí là 12 tỷ euro. Được hoàn thành vào năm 1994, Channel Tunnel được Hiệp hội Kỹ sư xây dựng dân dụng Mỹ gọi là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.
Song với thiết kế rộng hơn cho phép các đoàn tàu di chuyển nhanh với vận tốc lên tới 250 km/h đồng nghĩa với việc khối lượng hàng hóa chuyên chở qua tuyến đường hầm nối Trung Quốc với Đài Loan sẽ lớn hơn nhiều so với Channel Tunnel. Vận tốc tối đa của các đoàn tàu di chuyển trong đường hầm Channel Tunnel hiện giới hạn là 160 km/h.
Ý tưởng xây dựng tuyến đường hầm nối Trung Quốc đại lục với Đài Loan đã được đề cập tới suốt gần 1 thế kỷ qua và đặc biệt được nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm vào năm 2016. Trong đó, tham vọng hợp nhất Đài Loan vào đại lục hiện là một trong những ưu tiên chính trị hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh. Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai sau khi Đài Loan tuyên bố tách khỏi đại lục vào năm 1895.
Hiện tại chỉ có 18 quốc gia công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Gần đây, Burkina Faso và Cộng hòa Dominica cũng đã đóng cửa văn phòng ngoại giao ở Đài Bắc để chuyển sang mở cửa đại sứ quán tại Bắc Kinh.