|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Triều Tiên chỉ thử vũ khí tầm ngắn?

10:52 | 06/05/2019
Chia sẻ
Thử vũ khí tầm ngắn, Triều Tiên muốn khẳng định rằng tiến trình ngoại giao vẫn mở nhưng sẽ không mở mãi nếu mọi thứ vẫn “dậm chân tại chỗ” như hiện nay.

Thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một lửa tầm ngắn từ thành phố duyên hải Wonsan về phía Đông Bắc, trong khoảng từ 9h6 phút đến 9h27 phút sáng 4/5" (giờ địa phương). Tuy nhiên sau khi phân tích, Seoul tuyên bố Bình Nhưỡng đã phóng "một số vật thể bay". Ngày 5/5, một ngày sau khi phóng một số “vật thể bay” với tầm bắn từ 70-200km trên biển, chính quyền Triều Tiên xác nhận nước này vừa tiến hành thử nghiệm các bệ phóng tên lửa và vũ khí dẫn đường chiến thuật.

Vì sao Triều Tiên chỉ thử vũ khí tầm ngắn? - Ảnh 1.

Thử vũ khí tầm ngắn, Triều Tiên muốn khẳng định rằng tiến trình ngoại giao vẫn mở nhưng sẽ không mở mãi nếu mọi thứ vẫn "dậm chân tại chỗ" như hiện nay. Ảnh: AP

Một mũi tên trúng nhiều đích

Động thái thử vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên ngoài việc cảnh báo với Mỹ rằng tình hình có thể sẽ diễn biến căng thẳng hơn nếu mọi thứ vẫn "dậm chân tại chỗ" thì còn cho Trung Quốc (vốn đang trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ) và Nga hiện đang có vai trò nhất định trong hồ sơ Triều Tiên sau Thượng đỉnh Nga - Triều có thêm cơ sở để gây sức ép buộc Mỹ giảm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên vì mục đích phi hạt nhân hóa.

Thực tế là việc giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế đang là một trong những mục tiêu cấp bách hiện nay của Triều Tiên. Báo cáo của Liên Hơp Quốc công bố hôm 3/5 cho biết 10 triệu người Triều Tiên đang bị thiếu lương thực trầm trọng. Trước đó, tờ The Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, ngoại tệ của Triều Tiên cũng như dự trữ lương thực và dầu mỏ nước này đều không đủ dùng để duy trì trong năm nay.

Chiến thuật vừa tấn công vừa phòng thủ của Triều Tiên đã có những hiệu quả nhất định trong lịch sử. Trong khi Bình Nhưỡng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tài chính thì Mỹ không phải lúc nào cũng khắt khe trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt. Từ năm 1995 - 2008, chính quyền Tổng thống Bill Clinton và George W.Bush đã cung cấp cho Triều Tiên gói cứu trợ lên tới 1,3 tỷ USD, chủ yếu dưới dạng lương thực và năng lượng.

Bên cạnh việc gây sức ép để được dỡ bỏ trừng phạt, động thái phóng các vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên hôm 4/5 vừa qua còn nhằm thể hiện sự không hài lòng trước các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn dù chúng đã được giảm bớt để tránh gây leo thang căng thẳng với Bình Nhưỡng.

Trong khi Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa thì Bình Nhưỡng cũng muốn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ phía Wasshington. Cả ông Kim và các quan chức trong chính phủ Triều Tiên đều muốn chắc chắn rằng đất nước của họ sẽ không bị đe dọa sau khi họ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã yêu cầu sự đảm bảo này trong hàng thập kỷ và thực tế là ông Kim đã đem vấn đề này ra thảo luận với Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp Thượng đỉnh gần đây. Tuy nhiên, làm sao Triều Tiên có thể tin tưởng vào sự đảm bảo từ phía Mỹ trong khi các lực lượng của Washington vẫn hiện diện ở Hàn Quốc?

Tiến trình ngoại giao vẫn mở nhưng sẽ không mở mãi mãi

Triều Tiên quyết định phóng các vật thể bay tầm ngắn thay vì tên lửa đạn đạo liên lục địa là một sự tính toán kỹ càng và cẩn trọng. Đây có thể là một thông điệp cho thấy tiến trình ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa hoàn toàn sụp đổ và những đe dọa "lửa và giận dữ" như năm 2017 sẽ không xảy ra.

Mỹ và Triều Tiên đã tham gia đàm phán trong nhiều tháng về vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định rằng ông chấp nhận đàm phán kéo dài, miễn là Triều Tiên không thử thêm tên lửa nữa, đặc biệt là các tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng điều nguy hiểm không nằm ở việc Triều Tiên thể hiện sức mạnh quân sự nhằm đẩy Tổng thống Trump đến "lằn ranh đỏ" mà nằm ở cách Tổng thống Mỹ phản ứng với tình hình này.

Tổng thống Trump rõ ràng không hài lòng với việc Triều Tiên phóng tên lửa nhưng ông đã khẳng định trên Twitter rằng: "Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trên thế giới vô cùng thú vị này nhưng tôi tin ông Kim Jong Un nhận thức đầy đủ về tiềm năng kinh tế của Triều Tiên và sẽ không làm điều gì để cản trở hay chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết rõ tôi ủng hộ ông ấy và ông ấy sẽ không muốn thất hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ diễn ra!"

Phản ứng của Tổng thống Trump cho thấy ông muốn khẳng định với nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng ông sẵn sàng và có thể tìm kiếm môt giải pháp ngoại giao, bất chấp những vấn đề phức tạp xoay quanh tiến trình phi hạt nhân hóa hay Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 thất bại. Một thỏa thuận rõ ràng nằm trong khả năng của Tổng thống Trump và có lẽ ông là người duy nhất có thể khiến điều này xảy ra. Ông Trump không phải một chính trị gia, một nhà ngoại giao và một nhà nghiên cứu chính trị bài bản, nhưng chính điều này khiến ông không bị giới hạn với những suy nghĩ khuôn mẫu rằng việc buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là một điều bất khả thi.

Và như ông khẳng định trong dòng tweet nêu trên "điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới vô cùng thú vị này", khi những hướng tiếp cận cũ không thể giải quyết được vấn đề, người ta cần thử những hướng đi mới. Đó là điều Tổng thống Trump đang tìm kiếm, và có lẽ cùng là điều Triều Tiên mong muốn trong tình thế bế tắc hiện nay.

Bất chấp hàng thập kỷ căng thẳng với Triều Tiên, Trump vẫn là Tổng thống Mỹ duy nhất ngồi lại với một nhà lãnh đạo Triều Tiên để đàm phán về phi hạt nhân hóa - một điều tưởng như không thể xảy ra khi cách đó 1 năm "lửa và giận dữ" đã trực phun trào.

Dù vậy, vụ phóng vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên cũng cho thấy tiến trình ngoại giao có thể mở nhưng sẽ không mở mãi nếu vẫn không có tiến triển gì đạt được.

Lee Byong-chol - một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu của trường đại học Kyungnam ở Seoul nhân định: "Sự thay đổi của Triều Tiên phụ thuộc vào cách phản ứng của Mỹ nhưng về lâu dài, dường như ông Kim Jong Un đang muốn khẳng định rằng ông ấy sẽ đi con đường riêng của mình".

Trong khi đó, chuyên gia Ankit Panda tại Hiệp hội các nhà khoa hoc Mỹ có trụ sở tại Washington cho rằng: "Ông Kim đang tiếp tục thể hiện cho người dân Triều Tiên thấy rằng ông ấy vẫn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ".

Trước đó, ngày 12/4, nhà lãnh đạo kim Jong Un cũng khẳng định: "Tôi cho rằng chúng ta không nên quá chú tâm vào một Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ chỉ vì chúng ta đang rất cần giảm bớt các lệnh trừng phạt. Chúng ta sẽ không quan tâm quá nhiều đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà các thế lực thù địch áp đặt lên chúng ta nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ mở ra con đường phát triển kinh tế theo cách riêng của mình".

Kiều Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.