|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao thanh khoản chứng khoán bất ngờ tụt áp?

10:32 | 04/07/2024
Chia sẻ
Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 ghi nhận khối lượng giao dịch sụt giảm so với các tháng trước. Theo một số chuyên gia phân tích, thị trường điều chỉnh cùng thanh khoản đi xuống trong ngắn hạn xảy đến sau đợt tăng điểm trước đó, và tín hiệu hạ nhiệt về thanh khoản không đồng nghĩa chứng khoán đang giảm sức hút so với các kênh đầu tư khác.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận thanh khoản giảm sút từ tuần cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Từ 25/6 đến 3/7, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ xấp xỉ 400 - 700 triệu đơn vị mỗi phiên, thấp hơn mức khoảng 0,8 - 1 tỷ đơn vị của một tháng trước đó, và chỉ bằng với hồi cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 (tức dịp Tết Nguyên đán).

Trong đó, phiên 1/7 là thấp nhất trong vòng 1 năm với chưa đến 433 triệu đơn vị khớp lệnh trên HOSE. Thanh khoản hạ nhiệt đi cùng với xu hướng giảm điểm của VN-Index sau khi lập đỉnh 1.300 vào giữa tháng 6.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Chuyên viên Cao cấp Chiến lược đầu tư của Chứng khoán KBSV và bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư của Chứng khoán An Bình (ABS) đã đưa ra nhận định về diễn biến trên.

Ông/bà đánh giá như thế nào về diễn biến sụt giảm của thanh khoản TTCK những phiên gần đây? Liệu chứng khoán đã giảm sức hút so với các kênh đầu tư khác?

Ông Nghiêm Sỹ Tiến: Đan xen giữa các nhịp vận động của VN-Index sẽ có những thời điểm TTCK rơi vào trạng thái giao dịch nhỏ giọt, mặt bằng thanh khoản đi ngang với khối lượng thấp trong một thời gian dài.

Điều này thường sẽ xuất phát từ hai nguyên nhân: giai đoạn thấp điểm và thị trường điều chỉnh. Cụ thể hơn, trước khi bước vào những dịp nghỉ lễ lớn và dài như Tết Nguyên đán, thị trường sẽ bắt đầu có xu hướng giao dịch ít dần khi có số lượng vốn nhất định rút ra để phục vụ cho mục đích chi tiêu.

Còn lại, nếu quan sát kỹ hơn diễn biến của chỉ số, thanh khoản có xu hướng lớn dần khi trong pha tăng điểm và sẽ đạt ngưỡng cao nhất tại quanh vùng đỉnh của VN-Index, sau đó sẽ dần cạn kiệt duy trì ở mức thấp khi chỉ số tạo đáy.

Điều này cùng có thể giải thích cho vận động hiện tại của thị trường khi nhịp điều chỉnh và bắt đầu hồi phục gần nhất chỉ số cũng giao dịch với khối lượng thấp tương đương bây giờ.

Tuy nhiên, các tín hiệu kém khả quan về thanh khoản như vậy không có nghĩa thị trường đã giảm sức hút so với các kênh đầu tư khác. Có thể các nhà đầu tư nhận định các yếu tố rủi ro ngắn hạn vẫn còn đang chi phối và lựa chọn đứng ngoài quan sát, chờ đợi một tín hiệu giải ngân rõ ràng hơn.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Nhìn lại diễn biến thị trường trong hai năm 2023-2024, VN-Index đã có hai lần đạt cực đại về khối lượng giao dịch vào tháng 8/2023 và tháng 3/2024 khi thị trường tiệm cận vùng biên độ giá tiêu chuẩn.

Theo lý thuyết về chuyển động giá và khối lượng trong phân tích thị trường, sau khi thị trường tăng giá và khối lượng đạt đỉnh, sẽ xuất hiện các yếu tố tiêu cực khiến thị trường giảm điểm, kèm theo giảm khối lượng giao dịch.

Trong thời gian từ đầu năm 2023 đến cuối quý I/2024, lãi suất liên tục giảm và duy trì ở mức thấp kỷ lục là yếu tố giúp TTCK Việt Nam có nhiều pha tăng điểm.

Tuy nhiên bước sang quý II/2024, áp lực tỷ giá gia tăng mạnh khi chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức cao, giá vàng tăng phi mã… đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các giải pháp tăng lãi suất thị trường mở, bán vàng, bán USD ra thị trường...

Điều này khiến cung tiền VND bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng. Khi yếu tố thanh khoản hạn chế, TTCK chỉ đi lên được những nhịp ngắn hạn, không đủ bền vững trong cấu trúc, tính phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu rất cao.

Khối lượng khớp lệnh ngắn hạn trên HOSE (đến 3/7) giảm về mức thấp như giai đoạn cuối tháng 1 đến đầu tháng 2. (Biểu đồ: TradingView).

Cùng với thanh khoản thu hẹp là xu hướng giảm điểm của VN-Index từ đỉnh 1.300 điểm. Điều này cho thấy điều gì?

Ông Nghiêm Sỹ Tiến: Tôi cho rằng xu hướng giảm điểm gần đây (từ 1.300 điểm) của VN-Index đang phản ánh hai vấn đề hiện tại: thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin và kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang chịu áp lực tỷ giá.

Khi không có thông tin tích cực đáng kể nào nâng đỡ cho chỉ số, xu hướng vận động nhiều khả năng sẽ bị chi phối các yếu tố ngắn hạn, trong bối cảnh hiện tại là vấn đề về sức ép tỷ giá. Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đến biện pháp là bán dự trữ ngoại hối để can thiệp một cách trực tiếp hơn vào vấn đề trên.

Điều này khiến cho thanh khoản trong hệ thống trở nên căng thẳng hơn, khiến cho lãi suất huy động tăng lên ở một số kỳ hạn của các Ngân hàng thương mại, phần nào ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Vì vậy, trong thời gian tới nếu áp lực tỷ giá vẫn chưa được giải tỏa, VN-Index sẽ khó có thể lấy lại đà phục hồi tích cực.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Những phiên giao dịch thấp là hệ quả của việc thị trường điều chỉnh. Khi thanh khoản thấp lại quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng mỗi phiên và duy trì quanh mốc này, thị trường sẽ có cơ hội tạo đáy ngắn hạn. Đây là diễn biến có lợi với thị trường trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư nên hành động như thế nào vào thời điểm này?

Ông Nghiêm Sỹ Tiến: VN-Index đã cho nhịp phản ứng hồi phục tại quanh ngưỡng hỗ trợ 1.24x điểm, vì vậy nhà đầu tư có thể canh mua mở mới vị thế trading (giao dịch ngắn hạn) với tỷ trọng nhỏ trong các nhịp điều chỉnh intraday (trong ngày). Vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.280 (+-5) điểm dự kiến sẽ cho phản ứng bán đáng kể hơn trên góc độ kỹ thuật.

Ngoài ra, các yếu tố rủi ro ngắn hạn vẫn đang tạo áp lực lên thị trường, trong khi đó các thông tin tích cực được kỳ vọng là thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm được công bố.

Do đó, diễn biến chủ đạo của VN-Index trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vận động trong vùng biên độ 1.220 – 1.290 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu - tiền mặt ở mức cân bằng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh: Nhà đầu tư ngắn hạn nên quản trị rủi ro các vị thế giao dịch ngắn hạn và thận trọng với việc dùng đòn bẩy, giao dịch linh hoạt với từng nhip lên xuống của thị trường.

Với nhà đầu tư trung hạn và dài hạn, khi thị trường điều chỉnh sẽ xuất hiện các mã cổ phiếu, các nhóm ngành rơi vào vùng đáy trung - dài hạn, là cơ hội gia tăng hoặc mua mới cổ phiếu.

Trong báo cáo chiến lược đầu năm 2024, ABS kỳ vọng VN-Index đạt mốc 1.395 điểm trong năm nay. Tuy nhiên thị trường có tính luân phiên, mức độ phân hóa các nhóm cổ phiếu cao, do đó nhà đầu tư nên linh hoạt trong việc lựa chọn cổ phiếu và đặt ngưỡng kỳ vọng.

Xuân Nghĩa