|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao tăng trưởng GRDP TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước?

15:49 | 01/04/2023
Chia sẻ
Khởi đầu quý I/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM bất ngờ đạt thấp hơn nhiều so với dự báo, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, thế nhưng TP HCM lại nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” 10 tỉnh, thành có mức tăng trưởng thấp trong cả nước.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền thành phố trong các quý còn lại. Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023 của UBND TP HCM tổ chức ngày 1/4 đã tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng trên; đồng thời đưa ra một số giải pháp để phục hồi tăng trưởng cho thời gian tới.

Chưa tận dụng hiệu quả “3 công cụ” phục hồi

Theo số liệu của UBND TP HCM, GRDP của TP HCM quý I/2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.

Công nhân dệt may tại Công ty CP May mặc Dony, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu (chiếm 60,4% GRDP), thì có tới 4/9 ngành có mức tăng trưởng âm. Cụ thể, ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%, thông tin và truyền thông giảm 2,7%, kinh doanh bất động sản giảm 16,2%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Với kết quả trên, TP HCM là địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương. Câu chuyện nền kinh tế năng động nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước rơi vào trình trạng này đáng được quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, trong 3 năm gần đây tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự  báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những cái mơ hồ.

TP HCM có mức độ hội nhập sâu rộng, do đó các hoạt động ít nhiều đều bị ảnh hưởng từ tình hình thế giới và trong nước. Dù đã lường trước khó khăn và đề ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn, nhưng không ngờ kết quả lại xuống sâu, thấp hơn dự đoán nhiều như vậy.

“Sau "cơn bạo bệnh" của năm 2021, TP HCM đã bật dậy rất mạnh và đem lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục khó khăn trở lại. Điều này có đúng quy luật không. Nguyên nhân do tác động từ bên ngoài là đương nhiên, nhưng "sức khỏe" của thành phố rõ ràng vẫn còn có vấn đề. Với cơn bệnh này liệu "phác đồ điều trị" đã đúng chưa”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề.

Theo đó, Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu từng ngành, từng lĩnh vực cần xem lại mình một cách khách quan, nghiêm túc để đề ra việc cần làm cho quý II/2023, những quý còn lại của năm và các năm tiếp theo.

Tại hội nghị, chuyên gia Trần Du Lịch đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GRDP của TP HCM sụt giảm sâu so với các dự báo trước đó.

Theo ông Lịch, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển TP HCM năm 1982, đây là lần đầu tiên tăng trưởng của thành phố nằm trong nhóm “cầm đèn đỏ” của cả nước. Dù các chuyên gia đã đưa ra dự báo kém khả quan vào quý IV/2022 nhưng kết quả thực tế còn xấu hơn.

Vị chuyên gia này cho rằng, quy luật đã được chứng minh khi các yếu tố vĩ mô, tình hình thế giới tích cực, thành phố sẽ khai thác vượt trội. Nhưng khi bối cảnh chung chuyển biến tiêu cực, thành phố cũng bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn.

Rất không may cho kinh tế cả nước và TP HCM, trong quý IV/2022 vừa chịu 2 tác động lớn, từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chính trong nước. Hai yếu tố cộng hưởng làm kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn; trong đó TP HCM là địa bàn chịu tác động mạnh nhất.

Tuy nhiên, qua quý I/2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, kiểm soát được lạm phát, tỷ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới. Phân tích nguyên nhân tăng trưởng quý I/2023 của TP HCM lại thấp như vậy, ông Trần Du Lịch cho rằng, có 3 động lực mà Chính phủ và thành phố đã thống nhất đề ra để kéo nền kinh tế trở lại nhưng thành phố chưa làm được.

Một là giải ngân vốn đầu tư công, đây là yếu tố rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Thế nhưng, TP HCM bỏ lỡ công cụ này khi quý I/2023 chỉ giải ngân đầu tư công được 2%. Thứ hai, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, gồm cả đầu tư công, tư nhân, tháo gỡ các dự án tồn đọng.

Tuy nhiên, vấn đề này ở thành phố đến nay vẫn "vô vọng". Và thứ ba, TP HCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.

“Như vậy, cả 3 trụ cột – 3 liều thuốc để kinh tế tiếp tục phục hồi thì TP HCM vẫn chưa tận dụng được. Đây là nguyên nhân gốc khiến tăng trưởng chậm hơn so với cả nước”, ông Lịch phân tích.

Tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư công

Với dự báo tình hình chung sẽ khởi sắc hơn từ quý III/2023, các chuyên gia cho rằng TP HCM cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Vấn đề quan trọng nhất là thành phố phải hấp thụ được vốn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, TP HCM phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây được xem là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần phát triển thành phố.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trong tâm của thành phố trong thời gian tới; trong đó, đề xuất đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, dự án Rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50... và các công trình đã khởi công.

Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, trong thời gian tới, TP HCM cũng sẽ triển khai cách làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.

Trong bối cảnh kinh tế thành phố có nhiều khó khăn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận, mỗi sở ngành, quận huyện đơn vị cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên.

Người đứng đầu chính quyền thành phố đặt câu hỏi liệu rằng có đơn vị nào đang bị rối, đang phải loay hoay, không biết bắt đầu từ đâu trong bối cảnh công việc tồn đọng, phát sinh rất nhiều. "Tôi không nghĩ TP HCM mất kiểm soát chỗ này. Chúng ta đã có các chương trình, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra và đảm bảo tiến độ, kết quả cụ thể. Với khối lượng, độ rộng lớn của nhiệm vụ, cường độ, năng suất làm việc cũng tăng cao hơn", ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu từng cơ quan, sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nêu rõ các đơn vị còn nhiều công việc tồn đọng như Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Lao động và Thương binh xã hội và Văn phòng UBND thành phố, lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị này cần phân nhóm công việc để xử lý, đôn đốc tiến độ, không để kéo dài thời gian giải quyết. Đối với nhiệm vụ phối hợp, các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, không chờ đợi và không để tình trạng một văn bản, mà chạy qua chạy lại nhiều lần.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị các sở, ban quản lý dự án cần sớm tháo gỡ và để các dự án công, dự án tư được triển khai; trong đó, các đơn vị cần lưu ý đến khó khăn của 138 dự án bất động sản được Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất tháo gỡ thời gian qua.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP HCM cũng yêu cầu các sở ngành tập trung giải quyết thủ tục hành chính để dòng vốn lưu thông, dự án tiếp tục "chạy". Đây vốn là yếu tố kéo đà tăng trưởng của thành phố trong thời gian qua; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, hoàn thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển…

H.Chung