Vì sao Sợi Thế Kỷ muốn nâng tỷ trọng sợi tái chế, sợi đặc biệt lên 80% doanh thu?
Thêm nhà máy thứ ba chuyên sợi tái chế, nhân đôi công suất vào năm 2025
Mới đây, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cho biết kế hoạch nâng tỷ trọng sợi tái chế từ mức 50% lên 80% trong tổng doanh thu khi dự án nhà máy Untiex đi vào hoạt động.
Nhà máy nằm ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có diện tích 100.000 m2 với sản phẩm là sợi polyester (DTY), sợi tái chế, các loại sợi đặc biệt có giá trị gia tăng cao. Dự kiến, giai đoạn 1 của nhà máy Unitex sẽ được đưa vào vận hành và sản xuất từ quý III hoặc quý IV/2023.
Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong 2021, tiến độ của dự án Untiex có bị trễ đi khoảng 7-8 tháng so với kế hoạch dự kiến ban đầu. Hiện tại, công ty đang thực hiện việc đóng cọc móng cho nhà máy mới và đang trong giai đoạn xin giấy phép xậy dựng cũng như hoàn thiện các hồ sơ pháp lý cần thiết.
Cũng theo ông Hòa, chi phí đầu tư là 120 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 là 75 triệu USD, giai đoạn 2 là 45 triệu USD. Công ty đã mua máy móc thiết cho giai đoạn 1 từ năm ngoái nên ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Khi hoạt động, 60% năng suất từ nhà máy mới sẽ phục vụ cho sợi tái chế, 20% sợi giá trị gia tăng và 20% sợi phổ thông, bình thường hơn nhưng vẫn chất lượng.
Trước đó, năm 2018, công ty rót vốn 117 tỷ đồng vào dự án nhà máy Trảng Bàng 5 với công suất 3.300 tấn sợi polyester (DTY) và 1.500 tấn chip tái chế. Đến cuối 2020, tổng công suất hai nhà máy Củ Chi (TP HCM) và Trảng Bàng (Tây Ninh) của Sợi Thế Kỷ đạt 63.300 tấn sợi, trong đó công suất dây chuyền sợi tái chế recycled chip đạt 1.500 tấn/năm.
Như vậy, cùng với hai nhà máy hiện có, nếu nhà máy Unitex hoàn thành đúng kế hoạch, quy mô của Sợi Thế Kỷ sẽ tăng lên gấp đôi, lên 120.000 tấn/năm vào năm 2025, tỷ trọng sản phẩm từ sợi tái chế sẽ chiếm chủ đạo trong tổng doanh thu của công ty.
Mảng sợi tái chế có gì hấp dẫn?
Cùng với những loại sợi nguyên sinh, sợi tái chế hiện nay được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực thời trang. Sợi tái chế là loại sợi được sản xuất từ những loại vải, quần áo cũ, hàng dệt may hoặc những phế liệu nhựa đã qua sử dụng. Việc sử dụng các loại chai nhựa cũ để sản xuất sợi tái chế giúp hạn chế thải carbon ra bên ngoài môi trường.
Đáng chú ý, hiện nay nhiều thương hiệu đang ưa chuộng việc sử dụng sợi tái chế để tạo ra các sản phẩm của mình cho thấy nhu cầu tiêu thụ của nguyên liệu này rất cao.
Cụ thể, tháng 4/2021, có tới 85 thương hiệu và nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực dệt may đã tham gia thử thách “2025 Recycled Polyester Challenge” với cam kết nâng tỷ trọng tiêu thụ sợi polyester tái chế trên toàn cầu từ 14% vào năm 2020 lên 45% vào năm 2025.
Theo ông Đặng Triệu Hòa, thời trang nhanh (fast fashion) đang sụt giảm mạnh do người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, mua các mặt hàng thiết yếu và bền và bảo vê môi trường.
Theo đó, nhu cầu sợi tái chế đến từ các thương hiệu thời trang hàng đầu như Nike, Adidas, Decathlon...đang tăng cao nên đòi hỏi việc đáp ứng về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng nhanh cũng như các yêu cầu về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của các thương hiệu này cũng ở mức cao.
Sản lượng tiêu thụ polyester tái chế toàn cầu được Tổ chức Textile Exchange dự báo sẽ tăng gấp gần 4 lần trong giai đoạn 2020 - 2025. Còn theo thống kê của Công ty tư vấn The ExpressWire, thị trường này dự kiến đạt khoảng 6 tỷ USD vào cuối năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,3% trong giai đoạn 2021-2026; đạt giá trị 3,8 tỷ USD vào đầu năm 2020.
Theo đó, các thương hiệu sẽ ưu tiên lựa chọn nhà cung ứng giúp họ đạt được các cam kết chống biến đổi khí hậu như tăng tỷ lệ nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nước sạch, giảm nước thải và phát thải hóa chất ra môi trường.
Đây chính là lý do công ty đang tập trung phát triển các loại sản phẩm thân thiện và bảo môi trường như sợi tái chế recycle, sợi màu dope dyed (thay thế công đoạn nhuộm truyền thống, tiết kiệm nước và không sử dụng hóa chất, giảm thải ra môi trường). Bên cạnh đó là sợi tái chế với các tính năng đặc biệt như kháng tia UV, hút mồ hôi nhanh và co giãn cao, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho hay.
Dây chuyền sản xuất và nhà máy sợi của STK. (Ảnh: STK)
Không chỉ tự sản xuất mà để bán được sản phẩm sợi này công ty phải có được chứng chỉ Global Recycle Standard (GRS). Bộ chứng chỉ này không chỉ xác nhận nguồn gốc nguyên vật liệu tái chế mà còn đánh giá việc đạt được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, an toàn hóa chất và trách nhiệm xã hội - lao động.
"Việc đáp ứng các yêu cầu này vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng giúp công ty gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng của các thương hiệu nổi tiếng này", Tổng Giám đóc STK chia sẻ.
'Sợi tái chế và sợi đặc biệt sẽ chiếm 80% doanh thu của Sợi Thế Kỷ'
Theo báo cáo thường niên của Sợi Thế Kỷ, cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét khi giảm dần tỷ trọng sản phẩm sợi nguyên sinh và tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu. Cụ thể, trong năm 2021, tỷ lệ sợi tái chế recycle của công ty đã chiếm 50% trên tổng doanh thu, tăng so với mức 46% của năm 2020.
"Mục tiêu năm 2022 là tăng tỷ lệ này lên 54% và dự kiến từng bước tăng dần sản lượng lên để đạt mục tiêu tỷ lệ sợi tái chế, sợi đặc biệt chiếm khoảng 70-80% trong tổng doanh thu của toàn công ty vào năm 2026", ông Hòa cho biết.
Báo cáo tài chính vừa công bố của Sợi Thế Kỷ cho biết doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm 2022 của công ty đạt gần 1.170 tỷ đồng, tăng 8,6% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng đạt 145,6 tỷ đồng, tăng 3,3%.
Theo số liệu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong kỳ, doanh thu từ sợi nguyên sinh và sợi tái chế cùng ở mức 585 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50/50 trong tổng doanh thu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với đặt mục tiêu gần 2.606 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 300 tỷ đồng lãi sau thuế.
Theo đó, với kế hoạch nâng tỷ trọng sợi tái chế lên mức 54% trong tổng doanh thu năm 2022, tức là sản phẩm này sẽ mang về nguồn thu khoảng 1.112 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ đã thực hiện gần 53% mục tiêu này.
Áp lực đơn hàng cuối năm
Tổng Giám đốc STK cho biết trong những tháng đầu năm, xung đột Nga-Ukraine kéo dài cùng với tình hình lạm phát cao và suy thoái kinh tế ở các thị trường nhập khẩu dệt may chủ chốt như Mỹ, EU, Anh đã làm suy giảm nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc ở các thị trường này và gián tiếp làm suy giảm nhu cầu sợi nhưng công ty chưa từng gặp tình trạng khách hàng đề nghị hủy đơn hàng.
Hiện tại công ty đã nhận đơn hàng cho lịch giao hàng tháng 7 và một số đơn hàng cho tháng 8.
Dù vậy, khả năng về đích kế hoạch nâng tỷ trọng sản phẩm sợi tái chế cũng mục tiêu kinh doanh cả năm vẫn đang chịu áp lực lớn từ biến động thị trường trong những tháng tiếp theo. Bởi theo thông lệ và truyền thống hàng năm, quý IV là thời điểm có nhiều nhu cầu và nhiều đơn hàng sợi nhưng năm nay do có yếu tố lạm phát vẫn đang trong quá trình diễn tiến trên phương diện toàn cầu.
Theo ông Hòa, tại thời điểm hiện nay chưa thể xác định được mức độ cũng như chiều dài thời gian của lạm phát, nên chưa đánh giá được sự tác động đến nhu cầu tiêu dùng cũng như kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu và sản phẩm trên thị trường thế giới vẫn đang trong trạng thái điều chỉnh.
Do đó, để hạn chế tác động của của thị trường, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các thị trường ngách với các sản phẩm giá trị gia tăng cao là nơi nhu cầu ít bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng mới, đẩy mạnh việc nhận đơn hàng....để duy trì biên lợi nhuận ổn định tại doanh nghiêp, đảm bảo việc đạt hoặc không bị lệch nhiều mục tiêu kinh doanh đề ra.
"Dù nhu cầu của sản phẩm xanh và thân thiện môi trường được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh, đồng thời đơn hàng may mặc giày dép sản xuất tại Việt Nam có ưu thế về thuế suất do có các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nên khả năng và mức độ đơn hàng bị giảm dự kiến sẽ không quá lớn, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng theo dõi chặt chẽ và đánh giá tình hình để điều chỉnh chiến lược một khi có sự thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu", ông Hòa cho hay.