Vì sao nông sản, ẩm thực Việt chưa làm giàu được cho người Việt?
Việt Nam có những loại nông sản nổi tiếng xét ở góc độ nguyên liệu như gạo, điều, các loại trái cây nhiệt đới. Nhiều món ăn của Việt Nam cũng được thế giới biết đến như phở, chả giò, bún chả, bánh mì thịt. Thế nhưng đa phần, người Việt chưa thể giàu lên được bao nhiêu từ những hàng hóa trên.
Người Thái… hái ra tiền từ phở Việt
Có lẽ phở là món ăn của Việt Nam nổi tiếng và phổ biến nhất trên thế giới với hàng chục ngàn cửa hàng phở đang hoạt động. Riêng tại Mỹ, theo thống kê của Viện nghiên cứu nhập cư Hoa Kỳ năm 2014, cả nước Mỹ có khoảng 9.000 cửa hàng phở Việt. Phở Việt là món ăn du nhập phổ biến nhất tại Mỹ xếp ngang với các món như Pizza của Ý, bánh Burritos của Mexico và món Sushi của Nhật Bản.
Charoen Pokphan Foods đầu tư nhà máy sản xuất phở tươi ăn liền đóng gói xuất sang thị trường Mỹ với công suất 200.000 sản phẩm/ngày. |
Thế nhưng người Việt tại Việt Nam cũng như định cư ở nước ngoài mở cửa hàng phở nấu theo công thức truyền thống chủ yếu là để phục vụ thực khách đến ăn tại chỗ, qui mô nhìn chung nhỏ, và cũng chỉ được xem là kiếm “bạc cắc”. Một trong những chuỗi cửa hàng phở nổi tiếng về qui mô và cách làm thương hiệu bài bản từ trước tới nay là Phở 24 do tiến sĩ Lý Quí Trung sáng lập. Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2012 ông Trung bán lại chuỗi Phở 24 cho càphê Highland với mức giá được cho là 20 triệu USD, thì chất lượng phở của thương hiệu này đã đi xuống vì sự thiếu kiểm soát và chăm chút. Đến thời điểm này thì Phở 24 gần như đã mất tiếng và bị lấn át bởi nhiều thương hiệu phở khác do người Việt từ Mỹ trở về gầy dựng như Phở Hùng, Phở Ông Hùng…
Trong khi các doanh nghiệp Việt sản xuất phở ăn liền khó tiêu thụ tại thị trường nội địa và chưa có gì khả quan ở thị trường xuất khẩu, thì người Thái – cụ thể là công ty Charoen Pokphan Foods Plc (CPF) – đã có những bước đi mạnh trong việc đầu tư nhà máy sản xuất phở tươi ăn liền đóng gói xuất sang thị trường Mỹ với công suất 200.000 sản phẩm/ngày. CPF ban đầu dự tính mở một văn phòng thương mại tại Mỹ, còn sản phẩm thì sản xuất tại Thái Lan. Nhưng vì sức tiêu thụ khả quan nên doanh nghiệp này đã xoay chuyển, quyết định xây dựng nhà máy ngay tại Mỹ với công suất 2 triệu sản phẩm/ngày để phân phối trong các hệ thống bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon...
Vì sao người Thái không mở chuỗi cửa hàng phở truyền thống mà sản xuất phở tươi ăn liền? Đơn giản là họ biết điều gì nên làm và không nên làm. Bởi họ thừa hiểu nếu mở chuỗi cửa hàng phở truyền thống chính là sở đoản, trong khi xoay chuyển sang sản xuất phở tươi ăn liền theo hướng công nghiệp, vừa tiện lợi vừa đáp ứng sở thích ăn phở của các gia đình Mỹ, lại chính là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt nhưng lại là sở trường của doanh nghiệp Thái. Một lợi thế khác mà người Thái đã tạo dựng được hàng chục năm qua là họ đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại những quốc gia phát triển, từ đó đã kết nối được với các kênh bán lẻ lớn trong tư cách là nhà cung ứng cấp khu vực và toàn cầu.
“Gái quê danh giá”… mất giá
Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực tại một cuộc hội thảo về nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội mới đây đã nói một cách rất hình ảnh: “Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ người ta tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi…”.
Cách ví von của bà Thực lại khiến tôi nhớ đến câu chuyện gia đình của cô dâu Việt tên M.B. ở Đài Loan (Trung Quốc) mà tôi từng được tiếp xúc. Cả bốn chị em của B. đều lấy chồng Đài Loan. Thời điểm tiếp xúc với tôi, gia đình B. đang chuẩn bị gả đứa con gái út. B. thổ lộ: “Con út em nó cũng xinh xắn lắm nhưng giờ ở quê con trai ít đến ghẹo. Có đứa đến ghẹo thì không nghề không ngỗng, ngày nào cũng rượu chè…”. “Gái quê danh giá” xinh đẹp nhưng không ai “ghẹo” thì cũng… mất giá, mà cứ ngồi chờ người ta đến hỏi thì bấp bênh, phập phồng… vì dễ bị o ép. Theo bà Thực, nông sản Việt đang rơi vào tình thế như vậy, không tự chủ động ra chợ thế giới được.
Bao năm qua nông sản Việt được xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc nhưng thương lái Trung Quốc thì nắm đằng chuôi, hay gây sốt hết mặt hàng này đến mặt hàng khác nhưng cũng rất thất thường dừng mua khiến người nông dân ôm thiệt thòi. Gần đây người Thái nhảy vào cuộc, trở thành bên mua hàng có bài bản hơn khi mua từ củ quả đến thủy sản để xuất sang Thái và các quốc gia khác. Một lần nữa người Thái làm được việc này vì họ có ưu thế vượt trội là đã “có chân” trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đã trở thành nhà mua hàng lớn trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Đó là vị thế mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo lập được.
Chính nhờ vị thế và ưu thế đó mà khi người Thái mua bưởi da xanh Việt Nam xuất sang Thái với giá tận gốc chỉ vài chục ngàn đồng/kg, nhưng họ dùng vỏ bưởi da xanh đó để chế biến thành món mứt rồi xuất ngược lại thị trường Việt Nam với giá vài trăm ngàn đồng/kg. Trong khi đó, người nông dân và doanh nghiệp Việt chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và các sản phẩm chế biến ở mức cơ bản, thiếu đầu tư nghiên cứu và phát triển sâu vì thế các sản phẩm chế biến ra thiếu sự mới mẻ, chất lượng cũng không hấp dẫn. Điển hình nhất có thể so sánh chính là sản phẩm mứt vỏ bưởi của Việt Nam và của Thái Lan, cách biệt nhau xa về chất lượng cũng như giá cả (của Việt Nam chỉ khoảng 200.000 đồng/kg trong khi của Thái lên đến 600.000 đồng/kg).