|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao nhiều tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới không tìm kiếm sự nổi tiếng?

10:34 | 07/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù sở hữu khối tài sản ròng trị giá hàng tỷ USD, nhưng những người như nhà sáng lập Zara Amancio Ortega lại không đam mê tìm kiếm sự nổi tiếng. Thay vào đó, ông cho rằng bản thân chỉ cần sự công nhận từ người thân, bạn bè và những người thực sự hiểu mình.

Nếu nhìn vào danh sách 50 người giàu nhất thế giới hiện tại của Forbes, sẽ có rất nhiều người không phải là những CEO hạng A, thậm chí còn là những người được gắn mác tài sản kèm với gia đình. Ngoài những cái tên nổi tiếng như Elon Musk, Jeff Bezos hay Bill Gates, cũng có rất nhiều tỷ phú sở hữu khối tài sản ròng khổng lồ, nhưng lại không hay được truyền thông nhắc tên, theo Financial Times.

Vậy điều gì đã ngăn cách những Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates,… với những cá nhân giàu có khác mà bạn chưa từng nghe đến? Điều gì khiến Giám đốc ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs, David Solomon, một người kiếm được rất nhiều tiền, lại muốn làm DJ tại Lollapalooza cùng với King Princess và The Regrettes?

 

Nhà sáng lập Zara Amancio Ortega (phải) có tính cách đối lập hoàn toàn với những người như CEO Tesla Elon Musk (giữa) hay CEO Goldman Sachs David Solomon (trái). (Ảnh: Financial Times).

Sự thay đổi giữa các thế hệ CEO cũ và mới

Quay trở lại năm 2000, chuyên gia về giới lãnh đạo Michael Maccoby đã viết một bài báo khoa học trên Harvard Business Review về các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “vĩ đại hơn cuộc đời”. Ông lưu ý rằng, từ những năm 1950 đến những năm 1980, các CEO thường là những người đàn ông nghiêm túc, diện những bộ vest lịch sự.

Tuy nhiên, ông tiếp tục nói rằng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ, hiện đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và đang thúc đẩy sự thay đổi xã hội. Điều này đã khiến giới lãnh đạo ngày nay trở nên khác biệt, tìm kiếm sự công nhận nhiều hơn.

Maccoby muốn nhấn mạnh rằng những CEO tự đề cao bản thân không phải là những người xấu. Họ giỏi trong việc truyền cảm hứng cho người khác bằng cách tự đưa bản thân vào câu chuyện. Dù vậy, có thể tồn tại những mặt trái xoay quanh những con người này, bởi ước mơ của họ có thể vượt xa thực tế và đôi khi là nhận về nhiều sự chỉ trích.

Mặc dù vậy, việc tạo lập danh tiếng chưa phải là điều gì đó quá phổ biến. Có một số người như nhà sáng lập Zara, Amancio Ortega, chỉ trả lời một số ít cuộc phỏng vấn trong suốt cuộc đời. Trong nhiều năm, hầu hết mọi người thậm chí không biết ông có ngoại hình như thế nào vì không có hình ảnh công khai nào xuất hiện trên mạng.

Tương tự, Philip Anschutz, một doanh nhân tỷ phú người Mỹ, người đã tham gia vào một số ngành công nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng được cho là mới chỉ tổ chức hai cuộc họp báo cho tới tận năm nay, thời điểm ông đã 82 tuổi.

Tomas Chamorro-Premuzic, giáo sư tâm lý kinh doanh tại Đại học College London nói rằng sự hiện diện của những người có tính cách như vậy sẽ tạo ra sự xen kẽ với những cá nhân khác. Chẳng hạn, cứ mỗi “Elon Musk”, lại có một “Philip Anschutz”. Ông nói thêm rằng sự phát triển của mạng truyền thông xã hội cũng như sự sùng bái đối với Thung lũng Silicon góp một phần vào sự nổi tiếng của nhiều CEO Big Tech.

Sở thích cá nhân

Một người từng làm trong lĩnh vực truyền hình chia sẻ với Financial Times rằng những người giàu có thường tham dự các chương trình thực tế, mặc dù những chương trình này có nhiều mặt trái. Một trong những lý do chính để họ tham gia các chương trình truyền hình là sự nổi tiếng. Theo định nghĩa của nhiều người, sự nổi tiếng là một phần cho sự thành công, cũng giống như việc một cá nhân sở hữu nhiều bất động sản hay máy ban tư nhân đắt tiền.

Dù vậy, có một câu hỏi được đặt ra, đó là liệu sự nổi tiếng có giúp giới giàu có kiếm thêm gì hoặc mất đi gì không. Sau tất cả, mọi người đều có xu hướng thích được công nhận những gì bản thân đã làm được. Tuy nhiên, với những doanh nhân nổi tiếng, sự công nhận này đến từ những người không phải là bên liên quan.

Theo chia sẻ từ một nhà xuất bản, mối quan hệ giữa những người nổi tiếng trên mạng xã hội như Instagram hay Facebook với các cuốn tự truyện của họ không phải là một mối quan hệ đơn giản.

Mạng xã hội đã thúc đẩy một thuật ngữ có tên “CEO-lebrity”, tạm hiểu là những CEO nổi tiếng. Một số cái tên như Richard Branson và Jack Welch là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, nhà báo Mark Wilson cũng từng xuất bản cuốn sách “The Difference Between God and Larry Ellison: God Doesn’t Think He’s Larry Ellison” vào năm 2003, một năm trước khi Facebook được thành lập. Vào thế kỷ 19, khi ngành công nghiệp nặng đang thúc đẩy sự thay đổi, Carnegie và Rockefeller là những cái tên quen thuộc.

Cuối cùng, việc thích nổi tiếng hay không giống như một sở thích cá nhân nhiều hơn. Trong khi nhiều người giàu có muốn được chú ý, những người khác lại sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân để làm những thứ “phía sau cánh gà”. Những người như Charles Koch và Peter Thiel là những người thích vận động và hay thay đổi, nhưng hiếm khi đam mê những thứ gì đó quá to lớn. Đối với mỗi Elon Musk, người luôn là tâm điểm của sự chú ý, bạn có thể tìm thấy một người nào đó gần như hoàn toàn không được biết đến, nhưng vẫn có rất nhiều mối quan hệ và sở hữu rất nhiều của cải. Đơn giản, họ không muốn sự nổi tiếng và quyền lực.

Ngoài ra còn có những người như Bill Gates và Warren Buffett, những người nổi tiếng nhưng lại không thích khoa trương quyền lực, hay những người như Jeff Bezos, một tỷ phú từng rất giống Elon Musk, muốn là tâm điểm của sự chú ý, nhưng cũng đã dần lui về sau hậu trường.

Doanh Chính