Vì sao người dân chưa mặn mà với nhà tái định cư?
Tòa nhà tái định cư B11C, Khu đô thị Nam Trung Yên, sau khi được đầu tư cải tạo. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 166 tòa nhà TĐC với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành. Việc sử dụng, vận hành nhà TĐC có nhiều vấn đề tồn tại, trong đó nổi cộm là những việc diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục như: Chậm thành lập Ban quản trị tòa nhà, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, sử dụng quỹ nhà trái quy định...
Nhiều người dân ở Khu đô thị Nam Trung Yên đặc biệt lo ngại vì nhiều năm nay tại một số tòa nhà TĐC ở đây, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ không hoạt động và không được quan tâm. Tại Khu đô thị Trung Hòa, dù có hơn 10 tòa nhà TĐC nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, chợ dân sinh vẫn thiếu…
Trong 3 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhiều tòa nhà TĐC bị xuống cấp như khu Đồng Tàu, Nam Trung Yên… Sau khi được chỉnh trang, không chỉ bộ mặt ở các khu nhà được thay đổi rõ rệt, mà hạ tầng khu vực cũng được đầu tư, nâng cấp hơn nhiều so với trước đây khiến người dân sinh sống hồ hởi, yên tâm định cư ở các khu nhà này.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ nhà (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết: Xí nghiệp hiện quản lý 18 tòa nhà và mới tiếp nhận thêm 2 tòa nhà TĐC ở Khu đô thị Nam Trung Yên. Sau khi tiếp nhận, quản lý các tòa nhà TĐC từ Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, nhiều tòa nhà đã bị xuống cấp. Đơn vị đã lên kế hoạch chỉnh trang, sửa chữa nhiều tòa nhà khiến Khu đô thị Nam Trung Yên sạch đẹp hơn nhiều so với trước đây.
Được biết, năm 2017, để tăng cường nhiệm vụ quản lý, hạn chế, khắc phục những tồn tại, yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng của công tác quản lý, vận hành nhà chung cư TĐC đang khai thác, sử dụng trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo GPMB thành phố, tổ chức rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư cao tầng TĐC do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách và phân ra thành các nhóm.
Trên cơ sở phân loại, nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, vận hành phù hợp với từng nhóm theo hướng chuyển giao quyền quản lý diện tích công cộng dịch vụ của tòa nhà (trừ các diện tích thuộc sở hữu nhà nước) để các chủ sở hữu tự khai thác, hỗ trợ trang trải cho chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thành lập các Ban quản trị nhà chung cư...
Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu rà soát, xây dựng giá dịch vụ quản lý nhà chung cư để làm căn cứ để thu phí và để ngân sách thành phố hỗ trợ một phần cho việc quản lý, vận hành trong thời gian tòa nhà chưa thành lập được Ban quản trị nhà chung cư.
TP Hà Nội đang triển khai nhiều dự án để xây dựng bộ mặt thành phố theo hướng hiện đại, văn minh. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người dân nằm trong diện giải tỏa phải bàn giao mặt bằng để sinh sống tại các khu nhà TĐC. Vì mục đích lâu dài cũng như vì sự phát triển của thành phố, nhiều người sẵn sàng di dời nơi ăn chốn ở và mong muốn được ở trong các khu nhà TĐC có chất lượng, dịch vụ tốt tương xứng như các tòa nhà ở thương mại để an cư, lạc nghiệp.