Vì sao ngân hàng không hạ chuẩn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân?
Theo số liệu được Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng công bố tại buổi Họp báo chính phủ thường kì tháng 5, tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dự nợ cho vay đạt 128.210 tỉ đồng; miễn giảm lãi cho 14.372 khách hàng với dư nợ là 28.441 tỉ đồng.
Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng đã hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ 980.163 tỉ đồng. Trong đó, mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 – 2%, thậm chí một số ngân hàng đã hạ lãi suất từ 2,5 – 4%/năm. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn trước khi đại dịch xảy ra từ 1 – 2% cho 147.637 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1 đạt khoảng 533.000 tỉ đồng.
Bên cạnh việc chỉ đạo các TCTD miễn, giảm lãi suất và cơ cấu nợ, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng để từ đó giúp các ngân hàng giảm phí đối với khách hàng. Ước tính, lượng phí giảm trong năm 2020 lên tới 1.000 tỉ đồng.
Theo Phó Thống đốc, kết quả này cho thấy hệ thống ngân hàng đang triển khai rất tích cực các biện pháp hỗ trợ khách hàng trước tác động của đại dịch COVID-19.
Đối với phản ánh của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận với vốn vay và quan điểm không hạ chuẩn cho vay của Thống đốc, bà Hồng cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp và người dân. Khi doanh nghiệp và người dân đình trệ sản xuất kinh doanh, nguồn thu dịch vụ của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống qua đó gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay lại. Do vậy, nếu khách hàng bị ảnh hưởng, không có nguồn thu thì ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu. Khi nợ xấu phát sinh sẽ buộc các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng tới tình hình tài chính của các nhà băng.
Bà Hồng nhấn mạnh nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vừa đảm bảo hoạt động của bản thân mình, đảm bảo các tiêu chí an toàn hoạt động. Do vậy, việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây.
"Khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô", bà nói.