|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN?

07:28 | 06/06/2020
Chia sẻ
Với chính sách quản lý chặt chẽ việc sửa chữa iPhone, Apple đã tạo ra hệ sinh thái chống lại các bên cung cấp linh kiện độc lập và máy ăn trộm.

Năm 2019, một khách hàng đã mang chiếc Macbook Air 2018 đến một cửa hàng máy tính West Seatle, Mỹ. Chiếc laptop bị vị khách đổ nước vào. Các kỹ thuật viên đã tháo máy ra, tách phần bị hỏng, đó là một cổng nguồn. Vấn đề đơn giản, chỉ cần thay linh kiện.

Tuy vậy, theo Vox, cửa hàng này không thể có được bộ phận thay thế từ Apple. Eric Tishkoff, chủ cửa hàng cho biết Apple từ chối bán linh kiện cho các cửa hàng độc lập. Kết quả, thay vì vài trăm USD sửa chữa như kế hoạch ban đầu, vị khách trên phải tốn 800-1.200 USD.

Khách hàng đã quyết định mua một thiết bị mới trong thời gian chờ linh kiện từ thị trường thứ cấp. Đây là tình trạng chung mà các cửa hàng trên khắp nước Mỹ đang phải gánh chịu.

Việc thay thế sản phẩm Apple theo đường "ngoài chính ngạch" là rất khó khăn trong mọi trường hợp. Theo 9to5mac, có hơn 10 Apple Store đã bị cướp từ ngày 27/5 đến nay.

Tuy nhiên, Apple đã vô hiệu hoá hoàn toàn tất cả iPhone bị đánh cắp. Điều này khiến nhiều kẻ trộm "bẽ bàng" vì họ vừa ăn trộm một cục sắt vô giá trị.

Cả 2 trường hợp trên có lẽ sẽ rất khác nếu xảy ra ở Việt Nam, nơi Apple dường như không đụng chạm đến những hành vi can thiệp không chính thức vào thiết bị.

"Từ lâu, việc "rã xác" đồ Apple để lấy linh kiện cho sửa chữa không quá xa lạ với người Việt", Lê Khánh, chuyên viên sửa chữa thiết bị Apple tại quận 10, TP.HCM cho biết.

Tại Việt Nam, một chiếc iPhone ăn cắp có giá 13-15 triệu đồng

“Tại Việt Nam, những chiếc iPhone bị đánh cắp sẽ bị xả linh kiện ra để làm phụ tùng thay thế. Ví dụ, iPhone 11 Pro Max sẽ được mua xác lại với giá 13-15 triệu đồng. Những linh kiện này sau đó sẽ được thay thế cho những chiếc máy bị hư hỏng”, Nguyễn Phúc Bửu, chủ một cửa hàng chuyên sửa chữa iPhone tại TP.HCM cho biết.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, iPhone ăn cắp thường được "rã xác" bán linh kiện. Ảnh: iFixit.

Theo ông Bửu, thậm chí, nhiều tiệm còn có thể can thiệp phần mềm để biến những chiếc iPhone trộm cắp thành loại hàng “IMEI ẩn”, hoạt động bình thường nhưng không được Apple thừa nhận.

Theo đó, việc "rã xác" iPhone để lấy linh kiện bán cho các cửa hàng sửa chữa không phải là hiếm gặp. Thợ sửa có thể vượt qua mọi rào cản phần cứng, phần mềm trong khi Apple chưa có những động thái pháp lý với những cửa hàng này.

Tình trạng này ít diễn ra trên thế giới. Từ trước đến giờ, Apple luôn hạn chế quyền được sửa chữa thiết bị và việc "rã máy" để bán xác, hoặc thay thế linh kiện không qua cơ sở chính thức của họ được coi là bất hợp pháp.

Tại Việt Nam, linh kiện Apple được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, thị trường rộng lớn với hàng trăm nhà cung cấp. Nhiều website được lập ra để trao đổi mua bán các linh kiện này.

"Nguồn linh kiện khá đa dạng, chính hãng có, không chính hãng cũng có. Linh kiện không chính hãng đến từ Trung Quốc có chất lượng không quá tệ. Còn linh kiện chính hãng thương được rã từ các thiết bị đã hư hỏng nặng hoặc máy trộm cắp, bị khóa iCloud...", ông Khánh nói thêm.

Tại Na Uy, bị phạt 26.000 USD khi giữ 63 chiếc màn hình iPhone

Nhưng ở các quốc gia khác như Mỹ hoặc khu vực châu Âu, những chiếc iPhone bị đánh cắp sẽ là vô giá trị. Cố gắng sửa chữa chúng, các chủ tiệm có thể vướng vào rắc rối.

Điều này xuất phát từ sự giới hạn của Apple về Quyền sửa chữa (right to repair). Theo đó, các thiết bị của Apple chỉ có thể được sửa chữa bởi Apple. Như vậy, những linh kiện "rã" được từ iPhone ăn cắp sẽ không có nơi tiêu thụ.

Tháng 7/2017, cơ quan chức năng Na Uy đã chặn một thùng hàng được gửi từ Hong Kong đến cửa hàng sửa chữa PCKompaniet. Bên trong gói hàng có chứa 63 màn hình cảm ứng thay thế có logo Apple.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 2.

Tại các nước như Mỹ, iPhone muốn sửa chữa phải được sự đồng ý của Apple. Ảnh: iFixit.

Apple khẳng định một số màn hình là hàng giả và không có nguồn gốc được tuồn ra từ chuỗi cung ứng của công ty.

Tháng 11/2017, Huswise, chủ cửa hàng PCKompaniet từ chối phá hủy gói hàng trên, Apple đã đệ đơn kiện để ngăn chặn việc thay thế những màn hình này lên iPhone. Kết quả vụ kiện, Huswise giành chiến thắng tại tòa án Oslo với lý do cửa hàng của ông không giới thiệu với khách đây là màn hình Apple. Tòa án yêu cầu Apple bồi thường cho Huswise số tiền tương đương 1.450 USD.

Sau đó, Apple tiếp tục đệ đơn lên Tòa án Phúc thẩm Na Uy. Ở lần này, kết quả vụ kiện có phần lợi nghiêng về phía Apple. Tòa án cho rằng chủ cửa hàng đã vi phạm vào sản phẩm thuộc thương hiệu của công ty Mỹ.

Huswise đã kháng cáo lên Tòa án tối cao của Na Uy. Phán quyết của tòa án tối cao ra lệnh phá hủy 62 màn hình điện thoại bị các quan chức hải quan thu giữ và trả các chi phí pháp lý của Apple khoảng 26.000 USD.

Apple tìm mọi cách quản lý việc sửa chữa thiết bị

Các nhà sản xuất thường xây dựng các rào cản công nghệ và pháp lý để ngăn chặn người tiêu dùng và kỹ thuật viên độc lập sửa chữa sản phẩm của họ.

Hạn chế sửa chữa được áp dụng theo nhiều hình thức như: thiết kế các đầu vít không phổ biến, sử dụng các điều khiển phần mềm trên các sản phẩm, hiển thị mã lỗi, không công bố hướng dẫn sửa chữa và giới hạn cung cấp linh kiện.

Apple là một trong những công ty phản đối gay gắt nhất luật về Quyền sửa chữa. Công ty được cho đã đổ tiền vào các chiến dịch vận động hành lang chống lại quyền này.

Apple cho rằng, nếu khách hàng sửa chữa trái phép, họ có thể tự làm tổn thương chính mình trong lúc thay pin. Nhưng Apple không cung cấp bằng chứng rằng những chấn thương như vậy đã từng xảy ra.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 3.

Nếu thay màn hình iPhone chính hãng nhưng không can thiệp phần mềm cũng không thể sử dụng. Ảnh: iFixit.

Đồng thời, theo OneZero, những người vận động hành lang cho Apple cũng nói với các nhà lập pháp bang Nebraska rằng nếu họ thông qua luật Quyền sửa chữa, điều đó sẽ khiến bang này trở thành một thánh địa của các tin tặc.

Về phần cứng, các sản phẩm của Apple thường đạt điểm thấp trong bảng xếp hạng về khả năng sửa chữa của iFixit. Ví dụ, iPad rất khó sửa vì có một miếng keo giữ dây cáp. Vì vậy, thiết bị này chỉ đạt 2/10 điểm về khả năng sửa chữa, trong khi đó HP Elite x2 nhận được 10/10 điểm.

Theo Kyle Wiens, Tổng biên tập của iFixit, chuyên trang đánh giá khả năng sửa chữa thiết bị điện tử, các sản phẩm của Apple được làm ra để không thể tái chế, phục hồi. "Thiết bị hư hỏng đó chỉ có thể kết thúc vòng đời ở bãi rác", Wiens nói.

Bên cạnh các khó khăn trong thiết kế phần cứng, Apple cũng tác động vào phần mềm.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 4.

Tại Việt Nam, việc tìm mua linh kiện thay thế cho các sản phẩm Apple rất dễ dàng.

"Nếu thay pin hay màn hình Apple kể cả chính hãng vào iPhone cũng không thể sử dụng bình thường được. Mỗi linh kiện được gán mã, nếu ráp sai mã màn hình sẽ báo lỗi, pin sẽ không thể hiển thị phần trăm", ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, Apple lần đầu can thiệp vào phần mềm là từ khi những chiếc iPhone trang bị TouchID. Trên toàn thế giới, linh kiện này không thể được thay thế bởi mỗi TouchID đều có một mã riêng và chỉ có Apple mới chỉnh sửa chuỗi mã này cho tương thích. Công cụ được sử dụng là độc quyền từ nhà cung cấp Cameron mà chỉ kỹ thuật viên Apple mới có chứng nhận sử dụng.

Bên cạnh đó, Apple cũng đã kêu gọi thành công Amazon loại bỏ những cửa hàng bán linh kiện thay thế Apple trên nền tảng thương mại điện tử này.

Chiến lược này phát huy hiệu quả, không chỉ trong đợt này, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo lẫn ngợi khen chiếc lược của Apple. "Trộm iPhone từ cửa hàng Apple cực kỳ dễ, và cũng cực kỳ ngu ngốc", TechRadar viết vào năm 2016.

Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi.

Apple dần nới lỏng quyền được sửa chữa

Việc sản xuất smartphone mà không cho phép sửa chữa được cho là cách kinh doanh không bền vững.

Các chiến dịch ủng hộ Quyền sửa chữa được các tổ chức như iFixit, Repair.org chỉ trích mạnh mẽ các đại gia công nghệ trong đó có Apple về những giới hạn mà họ đặt ra.

Một số nguyên liệu để sản xuất điện thoại như lithium, nhôm, vàng được cho sẽ cạn trong 100 năm tới nếu con người tiếp tục tiêu thụ điện thoại ở mức hiện tại.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 5.

Mỗi chiếc iPhone tiêu tốn 31 gram nhôm. Ảnh: BI.

Đáp lại làn sóng phản đối này, tháng 8/2019, Apple tuyên bố chương trình đối tác sửa chữa mới. Theo đó, công ty sẽ bán linh kiện, công cụ và phần mềm cho các cửa hàng sửa chữa độc lập. Đây được xem là bước nhượng bộ của Apple với cuộc chiến bảo vệ Quyền sửa chữa.

Nhưng thực tế, các hợp đồng mà Apple yêu cầu đối tác độc lập thực hiện cho thấy táo khuyết vẫn đang chống lại Quyền sửa chữa.

Ví dụ, các đối tác phải đồng ý cho Apple kiểm tra cửa hàng, ngay cả khi ngừng hợp tác với Apple một năm.

Nội dung kiểm tra là để chắc chắn đối tác chỉ sử dụng linh kiện do Apple cung cấp. Đồng thời, các đối tác này cũng không được nói với khách hàng họ được Apple ủy quyền sửa chữa. Nathan Proctor thuộc tập đoàn Nghiên cứu Phúc lợi Công cộng Mỹ cho rằng chính sách này chẳng có lợi gì cho cửa hàng ngoài việc buộc họ phải sử dụng linh kiện của Apple cung cấp để tránh bị kiện.

Những người ủng hộ quyền sửa chữa cho rằng chính sách mới của Apple là một cách chơi chữ để tránh mang tiếng độc quyền.

Apple được lợi gì?

Theo Phonearena, lợi ích của Apple ở đây rất rõ ràng. Các sản phẩm đã qua sử dụng, được tân trang đang cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm mới của Apple khiến phần lợi nhuận mới kiếm được giảm đi.

Bằng cách hạn chế những người sửa chữa điện thoại, Apple giảm được sự cạnh tranh này một cách chủ động. Tuy vậy, nó đi ngược lại lợi ích của người dùng và việc bảo vệ môi trường.

Dễ thấy nhất là trường hợp của AirPods, mẫu tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới.

Vì sao iPhone ăn trộm ở Mỹ không bị 'rã xác' để bán linh kiện như VN? - Ảnh 6.

Giảm số iPhone có thể sửa chữa sẽ giúp Apple tăng doanh thu bán iPhone mới. Ảnh: iFixit.

Bài báo "AirPods là một bi kịch" của nhà báo Caroline Haskins đã chứng minh rõ nét sự phát triển không bền vững của Apple. Theo đó, AirPods sử dụng viên pin lithium-ion đặc thù, mà ngay cả Apple cũng không thể thay mới.

Tổng biên tập iFixit đã gọi AirPods là một thiết bị ác quỷ bởi khả năng tàn phá môi trường của nó. Trong khi đó, Galaxy Buds của Samsung có khả năng sửa chữa vượt trội được chứng nhận bởi iFixit.

Tóm lại, AirPods không thể sửa chữa thì người dùng sẽ phải mua AirPods mới. Đó là nguồn lợi mà Apple luôn muốn đảm bảo.

Các chuyên gia cho rằng Apple rồi cũng sẽ phải nới lỏng quyền sửa chữa để phù hợp các nguyên tắc về môi trường. Tất nhiên, họ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ an ninh như tiêu thụ hàng gian hoặc máy bị "rã xác" bán linh kiện dễ dàng hơn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trọng Hưng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.