|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu chủ yếu là rau quả mà không phải mặt hàng khác?

13:59 | 30/12/2021
Chia sẻ
Những lúc vào mùa trái cây chín rộ (đầu tháng 4 và cuối tháng 11) lượng trái cây đưa lên dồn dập, năng lực thông quan tại cửa khẩu không đáp ứng nổi, gây nên hiện tượng ùn tắc, người dân Lạng Sơn lại ngậm ngùi chứng kiến những dòng xe xếp hàng dài trên đường vào cửa khẩu, đỗ tràn cả ra đến đường quốc lộ.

Những ngày qua, việc ùn tắc container tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc lại làm rộ lên nhiều ý kiến, trong đó các thuật ngữ "chính ngạch", "tiểu ngạch" lại được nhắc đến khá nhiều. 

Vậy đằng sau những thuật ngữ này chứa đựng những vấn đề gì? Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã có những chia sẻ để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Vì sao hàng hóa bị ách tắc tại cửa khẩu chủ yếu là rau quả mà không phải mặt hàng khác? - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Thương gia online

Xin ông cho biết vì sao hoa quả phải qua cửa khẩu phụ Tân Thanh mà không phải qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị?

Ông Trần Thanh Hải: Chúng ta biết rằng, trong khi hầu hết hàng hóa tiêu dùng được tự do thông thương thì riêng các loại hoa quả, trái cây cần phải được chính quyền mỗi nước cho phép thì mới được nhập khẩu. Lý do là các hàng hóa này cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn kiểm dịch.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là: xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. 

Nói cách khác, chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. 

Còn những loại không có tên ở trên, trong đó có những loại mà Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa, na, bưởi, chanh leo, roi, mận... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ.

Phía Trung Quốc có điều tiết rõ ràng thông qua chính sách thuế phí, theo đó hoa quả, trái cây nếu không đi qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thì sẽ phải đi qua cửa khẩu phụ Tân Thanh (phía bên Trung Quốc gọi là Pò Chài). 

Thương nhân Trung Quốc cũng tập trung ở đó để nhận hàng, do vậy phía Việt Nam có muốn giao ở cửa khẩu phụ khác như Cốc Nam, Na Hình cũng khó.

Thông thường, cửa khẩu phụ Tân Thanh mỗi ngày thông quan được khoảng 250 - 300 xe. Nếu vì chống dịch hay lý do nào đó, phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát, thời gian thông quan lâu hơn thì con số trên sẽ giảm xuống. 

Hoặc đến mùa thu hoạch trái cây của Việt Nam, lượng xe dồn lên cửa khẩu bất thường đến cả nghìn xe thì sẽ bị ùn ứ, phải mất cả tuần đến nửa tháng để giải phóng hết xe.

Vậy tại sao lại chỉ thấy ùn ứ nông sản, chủ yếu là trái cây, mà không phải là hàng hóa nào khác, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Do đặc điểm sản xuất của chúng ta. Trái cây đem lên biên giới phía Bắc chủ yếu là dưa hấu, thanh long, xoài, mít, vú sữa, sầu riêng... đều là những thứ quả trồng nhiều ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào. 

Các loại trái cây này đều trồng ở các hộ gia đình, nhà vườn, sau đó thuê xe chở lên biên giới, hoặc là bán cho thương lái thu gom và thương lái chở lên biên giới.

Gọi là xuất khẩu, nhưng hình thức bán hàng cũng giống như ở chợ. Xuất khẩu mà chưa biết người mua hàng bên kia biên giới là ai. 

Một xe chở dưa hấu khi sang đến Pò Chài sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa ra những quả còn tốt thì lấy, quả nào thối thì loại... 

Đây hình thức mua bán này khá bấp bênh và nhiều rủi ro nên những lúc vào mùa trái cây chín rộ (đầu tháng 4 và cuối tháng 11) lượng trái cây đưa lên dồn dập, năng lực thông quan tại cửa khẩu không đáp ứng nổi, gây nên hiện tượng ùn tắc.

Vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi tình trạng này, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Thử nhìn sang một mặt hàng nông sản khác là gạo. Theo Nghị định 107/2018, chỉ những thương nhân đáp ứng đủ điều kiện mới được quyền kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Cho đến nay, mới chỉ có chưa đến 200 thương nhân đủ điều kiện nói trên. Do vậy, các thương nhân này thường phải là doanh nghiệp quy mô trung bình trở lên, có bộ máy kinh doanh đủ trình độ để giao dịch, tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng... nói cách khác là xuất khẩu chính ngạch.

Tương tự, xuất khẩu thủy sản dù không có hạn chế gì, nhưng thông thường cũng phải là những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn mới có thể tham gia, và những doanh nghiệp này sẽ chỉ thực hiện giao hàng khi đã có hợp đồng, người mua rõ ràng.

Như vậy, một mặt cần vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái (thực chất là doanh nghiệp nhỏ) thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới để tránh tình trạng mua bán rủi ro, mặt khác rất cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm. 

Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu. 

Cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ có đủ năng lực để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối ở bên kia biên giới, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu trái cây vào nề nếp.

Thực chất hiện nay những doanh nghiệp như vậy đã có, nhưng số lượng chưa nhiều. Trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái. 

Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ một khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn. 

Vì chỉ có chính quyền mới có thể đứng ra tập hợp các nông dân, thương lái trên địa bàn, chỉ có chính quyền mới kêu gọi được các doanh nghiệp phân phối lớn đến cùng chung tay hỗ trợ, chỉ có chính quyền mới mời được các chuyên gia cả trong và ngoài nước đến hướng dẫn cho người nông dân, thương lái phải đóng gói thế nào, thực hiện truy xuất nguồn gốc ra sao, ...

Đương nhiên, cũng còn rất nhiều việc khác phải làm. Một việc cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu ngoài 9 loại đã nêu ở trên, nếu không thì vú sữa, sầu riêng, chanh leo, na, bưởi, roi, mận vẫn mãi chỉ đi qua cửa khẩu phụ.

Cũng giống như sân bay, cảng biển, cửa khẩu là một hạ tầng hết sức trọng yếu trong chuỗi logistics quốc tế. 

Các cửa khẩu biên giới lại thường nằm ở địa hình núi đồi, diện tích mặt bằng hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa. 

Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa. 

Hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, đưa lên cửa khẩu để xuất qua biên giới, giảm bớt thời gian, quy trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

*Chính ngạch là gì?

+ Có hợp đồng và các chứng từ thương mại (hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O, ...)

+ Khối lượng hàng hóa lớn, giá trị cao

+ Thanh toán qua ngân hàng

+ Giao hàng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính

* Tiểu ngạch là gì?

+ Không có hợp đồng hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại

+ Khối lượng hàng hóa ít, giá trị thấp

+ Thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng

+ Giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở

Những đặc điểm trên chỉ là tương đối, có những lô hàng tiểu ngạch nhưng khối lượng cũng không hề nhỏ, hoặc vẫn có thể thanh toán qua ngân hàng như thường.

H.Mĩ