|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Hà Nội, TP HCM 'tụt mạnh' trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

21:22 | 11/04/2023
Chia sẻ
Trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, TP HCM giảm tới 13 bậc, rơi xuống vị trí thứ 27, Hà Nội cũng tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20, rời khỏi top 10 PCI sau nhiều năm liền góp mặt.

Trong khi Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Bắc Giang tăng tới 29 bậc lên vươn lên vị trí thứ hai thì hai thành phố lớn nhất của cả nước là Hà Nội và TP HCM lại giảm mạnh thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI.

Năm 2022, TP HCM giảm 13 bậc, rơi xuống vị trí thứ 27 từ vị trí thứ 14 của năm trước, Hà Nội tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20, rời khỏi top 10 PCI sau nhiều năm liền góp mặt.

 

Theo Hồ sơ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP HCM, hai chỉ số có kết quả thấp nhất là "tính năng động của chính quyền tỉnh" đứng thứ 62/63 tỉnh thành của cả nước. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức xếp thứ 60 cho thấy sự đánh giá bộ máy hành chính còn nhũng nhiễu, phiền hà.

Các chỉ số khác như: Gia nhập thị trường xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54 cũng dưới mức trung bình. Điểm sáng trong các điểm số thành phần của TP HCM là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước hay chỉ số đào tạo lao động đứng thứ 10 cả nước.

Năm ngoái, GRDP TP HCM tăng 9,03%, có mức phục hồi so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, sang quý I/2023, đầu tàu kinh tế cả nước chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.

 

Với TP Hà Nội, sau nhiều năm lọt top 10, năm nay Hà Nội tụt xuống thứ 20. Hai chỉ số xếp thứ 5 từ dưới lên là Gia nhập thị trường và Tiếp cận đất đai khiến Hà Nội giảm điểm mạnh. Bên cạnh đó, tính năng động của chính quyền tỉnh cũng bị đánh giá chỉ ở mức 53/63 tỉnh, thành phố.

Giống như TP HCM, Hà Nội cũng duy trì được điểm số cao ở hai chỉ tiêu Đào tạo lao động xếp thứ ba toàn quốc và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 9.

 Hạ An tổng hợp từ báo cáo PCI

Chia sẻ bên lề Lễ công bố PCI 2022 diễn ra sáng 11/4, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, các trung tâm kinh tế lớn thường chịu biến động kinh tế nhiều hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng cải cách, thay đổi thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nơi khác, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn.

Ông thông tin, kết quả năm nay cho thấy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cơ sở đang bị đánh giá thấp hơn trước đó, một số nơi đang không năng động, tích cực.

"Tôi cho rằng trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay, cần có sự chủ động vào cuộc của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt ở các thành phố, trung tâm kinh tế lớn bởi chỉ cần một doanh nghiệp đình trệ cũng tạo rủi ro lớn", ông Tuấn nói.

Hạ An