Vì sao Facebook, Twitter,... nhanh chóng hạn chế các kênh truyền thông Nga sau xung đột tại Ukraine?
Nhiều nền tảng truyền thông xã hội đã đồng loạt hành động trong tuần qua để chặn các phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một số ứng dụng như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube đã hạn chế các bài đăng và tài khoản do truyền thông nhà nước Nga điều hành theo sự thúc giục của chính phủ các nước châu Âu, theo Bloomberg.
Công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms Inc. đã chặn quảng cáo từ các phương tiện truyền thông do Nga hậu thuẫn, Twitter Inc. ngừng hiển thị quảng cáo ở Nga và Snap Inc. đã chặn hoàn toàn quảng cáo từ các doanh nghiệp Nga.
Nhìn chung, các công ty Mỹ có lập trường kiên định trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời thực hiện các hành động một cách nhanh chóng. Người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, Nick Clegg đã đăng tải trên Twitter: "Cuộc chiến tại Ukraine đang tàn phá nặng nề. Chúng tôi đang liên hệ với các quan chức Ukraine để tìm cách giúp đỡ họ".
Đối với bất kỳ ai đã theo dõi lịch sử phức tạp của mạng xã hội về các quyết định chính trị trong quá khứ, tuần qua xứng đáng là "một sự mới mẻ". Các công ty đã hành động nhanh chóng, và phần lớn đã truyền đạt các quyết định của họ một cách rõ ràng. Ban lãnh đạo Meta thậm chí còn tổ chức các buổi họp truyền thông và giải thích về những hành động mà họ đã làm.
Một lý do khiến mọi thứ tiến triển nhanh chóng là các công ty này hiện đã có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng chính trị. Trong 18 tháng qua, đã có rất nhiều sự kiện nổi bật, gây xôn xao mạng xã hội, chẳng hạn như cuộc bạo động tại Điện Capitol trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ hay những tin tức không chính xác về vắc xin phòng chống COVID-19. Facebook và một số trang mạng xã hội khác sau đó đã bị chỉ trích vì không xử lý kịp thời các thông tin tiêu cực, sai sự thật.
Tuần qua, các công ty này đã triển khai nhiều thứ, ví dụ như gắn nhãn các bài đăng liên kết đến các phương tiện truyền thông do Nga hậu thuẫn. Các công ty cũng ngừng việc chặn người Nga truy cập vào nền tảng của họ vì cho rằng những người này đại diện cho một nguồn thông tin độc lập quan trọng.
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến các CEO hành động nhanh chóng và dứt khoát là vì các mạng xã hội này hầu như không thu được lợi ích gì. So với hầu hết quyết định chính sách mà họ phải đưa ra, việc giảm bớt thông điệp từ Moscow của ông Vladimir Putin không phải là một việc quá khó. Tại Mỹ, rất nhiều người đã phản đối cuộc chiến tại Ukraine.
Shelby Grossman, một học giả nghiên cứu tại Đài quan sát Internet Stanford cho biết: "Nhiều rào cản đã bị loại bỏ để các công ty công nghệ có thể đưa ra hành động nhanh chóng. Các nền tảng mạng xã hội có thể thực hiện những bước đi lớn hơn, hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga mà không phải lo sợ về phản ứng dữ dội từ các khu vực bên ngoài lãnh thổ nước Nga."
Joshua Tucker, một giáo sư tại Đại học New York, người điều hành Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao về Nga của trường và cũng là đồng giám đốc Trung tâm Chính trị và Truyền thông Xã hội cũng đồng ý với ý kiến của ông Grossman. "Sẽ có nhiều rủi ro hơn nếu các công ty truyền thông xã hội không thực hiện hành động dứt khoát", ông Tucker nhấn mạnh.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như các công ty công nghệ đang xoay chuyển một góc chính sách. Dù vậy, họ rõ ràng có kinh nghiệm để xử lý vấn đề. Trong nhiều trường hợp, công nghệ có thể trở thành thứ giải quyết một cuộc khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Bloomberg tin rằng vẫn còn rất nhiều thứ cần bàn đến trong tương lai. Phần lớn vấn đề chính sách và chính trị mà các công ty này phải đối mặt vẫn đang phân cực, chẳng hạn như kiểm soát phát ngôn của người dùng và xử lý thông tin sai lệch về chính trị. Việc này sẽ không đơn giản như cách họ hạn chế thông tin từ các kênh truyền thông của Nga.