Vì sao đế chế công nghệ của 'Steve Jobs Trung Quốc' sụp đổ?
Lễ ra mắt xe điện trở thành “bom xịt”
Chỉ trong vòng hai thập kỷ, từ chỗ chỉ là nhân viên công nghệ thông tin của cơ quan thuế ở một huyện thuộc tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, ông Jia Yueting, 44 tuổi, đã xây dựng một đế chế công nghệ trải rộng từ dịch vụ phát sóng video trực tuyến đến smartphone và thiết bị đeo thực tế ảo. Có thời điểm, giá trị tài sản của Yueting tăng vọt, đưa ông trở thành tỉ phú giàu thứ 17 Trung Quốc và được mệnh danh là “Steve Jobs Trung Quốc”.
Jia Yueting, người sáng lập tập đoàn công nghệ LeEco, giới thiệu một xe điện mẫu tại một sự kiện ở Bắc Kinh vào tháng 4-2016. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất của Yueting nằm ở lĩnh vực xe điện. Ông từng tuyên bố rằng những chiếc xe điện tự lái và kết nối Internet mà tập đoàn LeEco đang phát triển sẽ không chỉ giúp làm sạch các thành phố ô nhiễm của Trung Quốc mà còn cho phép hàng triệu người sử dụng miễn phí các dịch vụ của LeEco trên đường đi làm hàng ngày.
Ngày 20-10-2016 là thời điểm bước ngoặt trong cơ đồ của LeEco khi Yueting thuê máy bay chở hàng trăm nhà báo đến San Francisco (Mỹ) để dự một buổi lễ rình rang ra mắt mẫu xe điện LeSee Pro được quảng bá là sẽ tạo ra “vụ nổ lớn” trong tương lai của hoạt động di chuyển.
Song buổi lễ này trở thành “bom xịt” và theo như đánh giá của tạp chí Fortune, nó là “sự thất bại hoàn hoàn” vì Yueting dành phần lớn bài phát biểu giải thích tại sao chiếc xe điện tự lái, kết nối Internet LeSee Pro, không thể tự chạy ra sân khẩu. Nó nằm im ở một khu vực cách xa sân khấu chính và được các nhân viên an ninh canh giữ, không cho các phóng viên lại quá gần.
Tình hình của LeEco bắt đầu xấu đi sau sự kiện ra mắt xe điện tự lái LeSee Pro ở San Francisco. LeEco ráo riết tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để duy trì đế chế kinh doanh dàn trải khắp nhiều lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận. Kể từ đó, Yueting bị rớt ra khỏi bảng danh sách xếp hạng các tỉ phú công nghệ Trung Quốc, còn công ty ông bị đặt dưới sự giám sát bởi đang gánh núi nợ khổng lồ.
Tuy vậy, giữa lúc công ty gặp các vấn đề về dòng tiền vào cuối năm 2016, Yueting vẫn tự tin theo đuổi giấc mơ xe điện và tuyên bố rằng một ngày nào đó LeEco có thể vượt mặt Tesla nhờ xe điện kết nối Internet.
Khuếch trương bằng tiền vay
Công ty công nghệ và thông tin Internet Leshi (thành viên của LeEco) là một trong nhà cung cấp dịch vụ phát sóng video trực tuyến sớm nhất ở Trung Quốc. Công ty này được thành lập vào năm 2004 và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào năm 2010. Ở thời điểm thịnh vượng nhất vào tháng 5-2015, công ty này có mức vốn hóa thị trường hơn 150 tỉ nhân dân tệ (23 tỉ đô la Mỹ).
Thành công ban đầu của dịch phát sóng video trực tuyến của LeEco đã khuyến khích Yueting mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới và dùng cổ phiếu của ông ở công ty Leshi để thế chấp vay tiền.
Kể từ năm 2013, LeEco bắt đầu bành trướng nhanh chóng sang một loạt lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm smarphone, sản xuất phim ảnh, các chương trình truyền hình, xe đạp thông minh... LeEco cũng chào mua hãng sản xuất tivi Vizio của Mỹ với giá 2 tỉ đô la Mỹ nhưng không thành công.
Những tham vọng của Yueting cùng với khả năng kiếm tiền ở bất cứ lĩnh vực nào ông tham gia đã khiến các cư dân mạng và truyền thông Trung Quốc ca ngợi ông như là “Steve Jobs Trung Quốc” hay “Elon Musk Trung Quốc” khi ông nhảy vào lĩnh vực xe điện.
Phi vụ đầu tư tham vọng nhất cho đến nay của Yueting chính là công ty khởi nghiệp xe điện Faraday Future ở Los Angeles (Mỹ). LeEco là đối tác rót phần lớn tài chính vào Faraday Future dù tên của Yueting không xuất hiện trên website của Faraday Future. Yueting đang lên kế hoạch lắp ráp chiếc xe thể thao điện nhanh nhất thế giới có tên gọi FF91 thông qua Faraday Future.
Bị siết nợ và sụp đổ
LeEco bắt đầu suy sụp nhanh chóng kể từ tháng 7-2017, thời điểm mà các tài sản trị giá 26,2 tỉ nhân tệ của Yueting bị một ngân hàng phong tỏa vì khoản nợ 1,2 tỉ nhân dân tệ mà Yueting vay ở ngân hàng này để phát triển mảng smartphone.
Jueting cho rằng vụ việc đó tạo ra tâm lý lo lắng, khiến các ngân hàng khác cũng thu hồi các khoản vay của họ, phong tỏa phần lớn tài sản của LeEco và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của công ty này.
Từng tự hào khoe hệ sinh thái trải rộng gồm smartphone, tivi, thiết bị đeo thực tế ảo, xe điện nhưng giờ đây LeEco đã sa thải hơn 10.000 nhân viên, bán nhiều tài sản để huy động vốn và ngưng mở rộng kinh doanh ở nước ngoài. Yueting cũng chấp nhận nhường ghế chủ tịch Leshi cho Sun Hongbin, người sáng lập tập đoàn bất động sản Sunac China sau khi tập toàn này rót 15 tỉ nhân dân tệ (2,3 tỉ đô la Mỹ) để cứu vãn tình hình tài chính của Leshi vào tháng 1-2017.
Cổ phiếu của Leshi đã bị tạm ngưng giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. Bản thân Yueting đang nằm trong danh sách đen của chính phủ Trung Quốc vì vỡ nợ. Cuối tháng 12-2017, chi nhánh của Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc ở Bắc Kinh phát lệnh yêu cầu Yueting trở về Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tài chính liên quan đến các công ty của ông cũng như để bảo về quyền lợi của các nhà đầu tư
Tuy nhiên, hôm 2-1, Yueting đưa ra thông báo trên tài khoản WeChat nói rằng ông cần ở lại Mỹ vì ông có nhiều việc cần phải làm với Faraday Future để bảo đảm tiến độ sản xuất xe điện thể thao FF91.
“Tôi xin lỗi tận đáy lòng và xin nhận lỗi vì tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ của LeEco”, tuyên bố của Yueting có đoạn.
Một bài viết đăng trên tài khoản Weibo của Jueting cách đây một năm vào ngày Faraday Future ra mắt xe điện thể thao FF91 tại cuộc triển lãm hàng tiêu dùng điện tử 2017 (CES 2017) ở Las Vegas phần nào cho thấy các diễn biến tồi tệ của LeEco là do thái độ kinh doanh quá liều lĩnh và mạo hiểm của Jueting.
“Sẽ có thách thức nối tiếp thách thức trên con đường tạo ra sự đột phá. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ ra mọi thứ tôi có để thực hiện giấc mơ của tôi. Hãy tiếp tục mơ và đặt cược tất cả!", ông viết trên Weibo vào ngày 1-4-2017.