[Chuyện thất bại] CEO 'gã khổng lồ' LeEco Trung Quốc chỉ được hưởng mức lương 15 CENT/NĂM vì sai lầm tai hại của mình
4 bài học rút ra từ sai lầm của LeEco
LTS: Trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước.
NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Chuyện thất bại" kể về những khó khăn mà các doanh nhân nổi tiếng từng phải đương đầu, từ đó truyền cảm hứng giúp bạn vượt qua những trở ngại trong sự nghiệp và cuộc sống.
"Gã khổng lồ" công nghệ LeEco nổi tiếng với nhiều sản phẩm công nghệ đình đám từ dịch vụ phát video trực tuyến Netflix đến dự án xe tự lái còn đang dang dở. Tuy nhiên LeEco lại phải trải qua những tháng ngày đầy khó khăn tại thị trường Mỹ.
Doanh số bán hàng của công ty tại đất Mỹ trong năm 2016 còn kém xa so với mục tiêu đã đặt ra. Dịch vụ truyền hình internet EcoPass đã ngừng hoạt động, thỏa thuận với mua bán công ty sản xuất tivi Mỹ Vizio bị phá sản. Khu đất mà LeEco mua năm ngoái để xây dựng một khuôn viên khổng lồ trong thung lũng Silicon cũng được cho là đang được công ty rao bán, chi nhánh của LeEco tại Mỹ cũng phải hứng chịu đợt cắt giảm việc làm mạnh.
Mới đây, CEO Jia Yueting đã viết một bức thư nhận trách nhiệm về mình trước thất bại của LeEco và cam kết sẽ trả hết nợ.
"Tôi xin nhận mọi trách nhiệm trước nhân viên, khách hàng, cổ đông của LeEco về những sai lầm của mình. Hãy cho LeEco nói chung và mảng xe hơi của LeEco nói riêng thêm thời gian. Chúng tôi sẽ trả hết khoản nợ cho các tổ chức tài chính, các nhà cung cấp hay bất kỳ tổ chức nào mà chúng tôi đã vay tiền".
Tóm lại, thất bại của LeEco chủ yếu là đến từ thị trường Mỹ. Vậy LeEco đã tính sai bước nào trong chiến lược của mình?
1. Mở rộng quá nhanh vượt ngoài khả năng tài chính cho phép
Cách đây không lâu, LeTv (tiền thân của LeEco) ban đầu chỉ là một công ty chủ yếu cung cấp dịch vụ truyền hình video trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, với tài sản cá nhân của CEO Jia Yueting và niềm tin kỷ nguyên vốn mạo hiểm ở Trung Quốc sẽ kéo dài mãi mãi, LeTv đã thực sự bùng nổ nhanh chóng. Đến năm 2016, công ty bắt đầu lấn sân sang các lĩnh vực khác như điện thoại thông minh, thực tế ảo, TV thông minh, ô tô thông minh, điện toán đám mây, dịch vụ phát nhạc trực tuyến, xe đạp thông minh, sản xuất phim, buôn bán rượu vang, bất động sản...
Và đương nhiên, với tốc độ phát triển đến chóng mặt, LeEco bắt đầu tính đến chuyện "bành chướng" lãnh thổ sang thị trường đầy tiềm năng nhưng cạnh tranh vô cùng khốc liệt là Mỹ. Công ty mua đất ở thung lũng Silicon, tuyển mộ nhân tài và mở chi nhánh tại Mỹ vào mùa thu năm ngoái.
Công ty thậm chí mua lại hãng sản xuất tivi Vizio của Mỹ với giá 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tài chính lại là một vấn đề rất lớn đối với LeEco. Tình hình tài chính và vốn của công ty luôn ảm đạm nhưng LeEco lại không có một sự chuẩn bị nào để ổn định dòng tiền nhằm duy trì tham vọng ở đất Mỹ.
Việc mua lại Vizio đã khiến nguồn vốn của LeEco tổn hại nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng sang cả các mảng kinh doanh khác khiến công ty phải cắt giảm hàng loạt nhân viên.
Ngay cả khi lên kế hoạch sa thải nhân viên, tiền của LeEco cũng rất hạn hẹp, thậm chí trả lương cho nhân viên trễ 1 tháng. Bản thân CEO Jia Yueting cũng tự cắt giảm lương của mình xuống chỉ còn 15 cent mỗi năm.
Bài học rút ra: Khi bạn càng đặt nhiều tham vọng vào kế hoạch của mình thì bạn càng phải tỉnh táo để phân bố tiền sao cho hợp lý. Có vẻ LeEco đặt quá nhiều kỳ vọng vào doanh thu ở thị trường Mỹ sẽ bùng nổ khi đặt mục tiêu sẽ thu về 100 triệu USD trong khi trên thực tế doanh thu tại khu vực này còn chưa đạt nổi 15 triệu USD.
2. Mặc định là những gì đã thành công ở Trung Quốc thì chắc chắn sẽ thành công tại Mỹ
Hoạt động tại thị trường Mỹ, LeEco áp dụng chiến lược đã vô cùng thành công tại Trung Quốc đó là bán hàng flash-sale trực tuyến. Kể từ khi Xiaomi áp dụng thành công chiến dịch này tại Trung Quốc, rất nhiều các hãng sản xuất điện thoại thông minh khác học tập theo để tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi tính hiệu quả của cách tiếp cận này bởi nó không thực sự phát huy tác dụng tại thị trường Mỹ. Người Mỹ không mua điện thoại thông qua hình thức flash-sale hoặc nếu có đi nữa thì bao nhiêu người Mỹ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm USD để mua một chiếc điện thoại thông qua một trang web Trung Quốc mới được thành lập? Câu trả lời là "rất ít".
Bài học rút ra: Hãy tìm hiểu văn hóa thị trường mà bạn muốn nhắm đến. Những chiến lược kinh doanh giúp công ty bạn thành công ở thị trường nội địa chưa chắc hiệu quả ở thị trường nước ngoài. Đây cũng chính là bài học mà nhiều công ty Mỹ rút ra được khi mở rộng sang thị trường Mỹ.
3. Không tin tưởng nhân tài bản địa
Một trong những cách dễ dàng nhất để am hiểu văn hóa thị trường bản địa là hay thuê nhân viên ở thị trường đó. Và LeEco đã làm được điều này. Công ty đã tuyển dụng rất nhiều những chuyên gia có tên tuổi ở Mỹ vào các vị trí cấp cao và trả mức lương hậu hĩnh cho họ nhằm đảm bảo có thể thu hút được những người tài giỏi nhất. Tuy nhiên, sau đó, công ty không chịu tiếp thu ý kiến từ những người này- Gizmodo, cựu nhân viên của LeEco cho biết.
Chi nhánh của công ty tại Mỹ được điều hành bởi những lãnh đạo Trung Quốc, những người không hề am hiểu về thị trường Mỹ cũng như những nhân tài mà họ tuyển dụng. Những người giỏi lần lượt ra đi, đồng thời dẫn đến nhiều sai lầm tai hại tiếp theo (trong đó có chiến dịch bán hàng flash-sale trực tuyến).
Bài học rút ra: Tuyển dụng nhân tài bản địa và hãy biết lắng nghe ý kiến từ đó trao quyền cho họ. Nếu bạn chiêu mộ được những chuyên gia giỏi nhất nhưng sau đó lại lãng quên họ thì bạn cũng không nên tuyển họ ngay từ ban đầu.
4. Không dành thời gian để xây dựng thương hiệu
Chiến dịch flash-sale khiến nhiều người hoài nghi ngay cả khi LeEco là một thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng danh tiếng của công ty chỉ được lan tỏa rộng rãi ở thị trường Trung Quốc còn tại Mỹ thì không. Ngay cả khi LeEco mua đất ở thung lũng Silicon với cái giá "cắt cổ" và tuyển dụng những người tài giỏi nhất nhưng điều này cũng không giúp ích gì nhiều cho công ty trong nỗ lực bán các dòng điện thoại giá rẻ. Những nhân viên công nghệ với mức lương cao ngất ngưởng ở thung lũng Silicon đương nhiên không có nhu cầu mua bất cứ thứ gì có giá rẻ.
Trong khi ở Trung Quốc, cái tên LeEco lại khá nổi tiếng thì người Mỹ lại chưa bao giờ nghe đến một mẫu điện thoại nào từ LeEco dù điện thoại Trung Quốc ở thị trường này khá phổ biến. Họ thường chỉ nhắc tới các hãng như OnePlus, Xiaomi hay Huawei.
Bài học rút ra: Xây dựng thương hiệu ở một thị trường mới không phải chuyện một sớm một chiều. Bạn có thể cho rằng thương hiệu của công ty bạn nổi tiếng ở thị trường nội địa nhưng có thể nó chẳng có nghĩa lý gì khi ở thị trường nước ngoài.