|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn là 'vùng trũng' phát triển của cả nước?

15:51 | 03/02/2023
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế về địa lý song Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn thiếu tư duy liên kết vùng, chậm đổi mới, dẫn đến chưa khai thác được hết tiềm năng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hiệu quả.

Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, các khu kinh tế, cảng biển lớn, song vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn là khu vực có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. 

Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.

Đánh giá về những hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế song Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn thiếu tư duy liên kết vùng, chậm đổi mới, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng chưa hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông chưa tốt dẫn đến chưa phát huy được tính kết nối của 5 khu kinh tế trọng điểm để phát triển.

Sự kết nối của các bộ, ngành, địa phương còn yếu, thiếu đồng bộ. "Ví dụ như có chủ trương là các khu kinh tế ven biển liên kết với nhau nhưng các giải pháp, chính sách chưa thực sự hiệu quả", Thứ trưởng chỉ ra.

 

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... Vùng hiện có 9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế; nhiều cảng biển lớn. 

Theo Thứ trưởng Đông, những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục; đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; huy động, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng và các địa phương trong vùng sẽ là “dư địa”, là cơ hội để Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững xứng đáng với vai trò vị trí chiến lược của vùng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đưa ra 17 chỉ tiêu cụ thể cho vùng này đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5-3 lần so với năm 2020.

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm; Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; Phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 47-48%.

Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35-40%,...

Phát triển kinh tế biển, đô thị biển cho miền Trung

 

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. (Ảnh: MPI).

 

Để đạt được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Chương trình hành động đã cụ thể hoá thành 8 giải pháp trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh liên kết vùng và đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Với lợi thếvới bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần tập trung các giải pháp về kinh tế biển.

 

Thứ trưởng đánh giá, tiềm năng kinh tế biển rất rộng, không chỉ đối với du lịch bằng việc xây dựng các khu resort mà còn phải tập trung vào các khu kinh tế ven biển. Bên cạnh đó, một đối tượng chưa chú trọng phát triển được là các đô thị ven biển, cần tận dụng quỹ đất để phát triển các khu đô thị này.

Ngoài ra, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần phát triển những ngành liên quan đến kinh tế biển như: Khai thác dầu khí, hàng hải, nuôi trồng thuỷ hải sản, các dự án công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo,….

Có kế hoạch cụ thể, đồng bộ các bộ ngành, các địa phương, quyết tâm trong năm 2023 phải xong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh của 14 các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ để có một "bản đồ" phát triển tổng thể.

Hiện nay, vùng này cũng đã có những định hướng lớn và đột phá như: Mở rộng trung tâm năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang thực hiện các thủ tục để xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2.

Năm vừa rồi, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà máy lọc dầu. Việc tập trung phát triển đảm bảo nguồn cung năng lượng rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoài xăng dầu, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng phù hợp để hình thành một số trung tâm năng lượng lớn đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi, tiềm năng rất lớn. Cũng như, xây dựng quy hoạch để phát triển không gian công nghiệp, theo các hành lang kinh tế ven biển, các hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối cả phía Lào và Tây Nguyên với Trung Bộ.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để phát triển các khu kinh tế ven biển, rà soát lại các quy chế hoạt động, tránh trường hợp các địa phương, các khu kinh tế cạnh tranh lẫn nhau.

Gắn với phát triển nông nghiệp, Trung Bộ cũng cần hình thành các khu chế xuất, gắn với các khu kinh tế ven biển này, cơ cấu lại các ngành khai thác nông lâm thuỷ sản, tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao như: Khai thác yến, khai thác cá ngừ,…

Tập trung đầu tư nguồn lực cho các hạ tầng trọng yếu, Thứ trưởng cho biết, đối với nguồn lực về giao thông, Chính phủ đã và đang triển khai, tiếp đó cần đầu tư vào hạ tầng kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch, logistics. Sự chênh lệch giữa các địa phương trong khu vực này là khá lớn, có địa phương thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Thứ trưởng đánh giá. 

Thứ trưởng cũng thông tin thêm, khu vực miền Trung cũng nhận được sự quan tâm, tài trợ của các đối tác. Tại Hội nghị ngày 5/2 tới đây tại TP. Quy Nhơn, Bình Định 45 đối tác, nhà tài trợ sẽ ký biên bản cam kết tài trợ với tổng số vốn khoảng 1,7 tỷ USD.

Trong đó bao gồm các đối tác lớn như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế (KOICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB).

Đồng thời, cũng có 16 nhà đầu tư, quan tâm đầu tư vào khu vực này với tổng số vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, 5 dự án thoả thuận hợp tác đầu tư với số vốn khoảng 678 triệu USD. 

 

 

 

Hạ An