|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vì sao 48 dự án bị 'đội vốn', 14 dự án phải dừng thi công?

07:31 | 28/03/2017
Chia sẻ
Trong quá trình thực hiện, 48 dự án của Vinacomin đã phải điều chỉnh tăng vốn lên 2 - 5 lần và bị chậm tiến độ nhiều năm. Ngoài ra, tập đoàn cũng có đến 14 dự án phải dừng thi công gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.

Theo Báo cáo kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin (TKV) năm 2015, tính đến thời điểm ngày 30/6/2016, Vinacomin đang quản lý 448 dự án đầu tư. Trong đó 23 dự án nhóm A, 65 dự án nhóm B và 360 dự án nhóm C. Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là hơn 205.681 tỷ đồng. Trong đó 127 dự án đã hoàn thành giá trị thực hiện và 321 dự án đang triển khai. Nguồn vốn đầu tư là 125.438 tỷ đồng, trong đó vốn của tập đoàn hơn gần 25.000 tỷ đồng. Còn lại là vốn ngân sách và vốn vay.

48 dự án phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư

Đến giữa năm 2016, Vinacomin đã có 48 dự án có mức đầu tư là 97.707 tỷ đồng chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khi đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó công ty mẹ có 43 dự án, Tổng công ty khoáng sản TKV có 5 dự án.

Trong đó có thể kể đến một số dự án như Tổ hợp Bauxit –Nhôm Lâm Đồng có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 7.787,5 tỷ đồng thực hiện trong thời gian từ 2006 – 2009 với công suất dự kiến 600.000 tấn/năm. Vốn đầu tư dự án sau đó đã qua 4 lần điều chỉnh và lần điều chỉnh cuối cùng năm 2013 đã lên tới 15.414,4 tỷ đồng. Dù có vốn đầu tư tăng gấp đôi và thời gian chậm 4 năm do với kế hoạch nhưng công suất tổ hợp này chỉ lên tới 650.000 tấn/năm.

Vinacomin cho rằng, việc điều chỉnh vốn đầu tư do công nghệ sản xuất Alumin thay đổi do Nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, giải phóng mặt bằng, do trượt giá và năng lực quản lý - điều hành của chủ đầu tư còn hạn chế. Dự án sau 3 năm đi vào hoạt động đã lỗ 3.696 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do thời gian đầu tư kéo dài làm phát sinh chi phí, giá Alumin- nhôm thế giới sụt giảm, công nghệ phức tạp…Vinacomin cũng dự kiến năm 2017, dự án sẽ hết lỗ.

vi sao 48 du an bi doi von 14 du an phai dung thi cong

Đối với dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân cơ, vốn đầu tư phê duyệt ban đầu là 3.285 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm và thời gian thực hiện từ 2007 – 2010. Qua hai lần điều chỉnh, vốn đầu tư dự án đã lên 16.821 tỷ đồng. Công suất điều chỉnh tăng gấp đôi (lên 650.000 tấn/năm), vốn tăng lên 5 lần và thời gian kéo dài thêm 4 năm. Đến thời điểm thanh tra cuối tháng 11/2016 dự án này đã cơ bản hoàn thanh và chạy thử có tải, ra sản phẩm hydrat và dự kiến sản phẩm alumin trong nửa đầu tháng 12 và vận hành trong quý I/2017. Vinacomin cho biết, do điều chỉnh tăng công suất nên dự án phải dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả thi công, ngoài ra còn do biến động tình hình chính trị ảnh hưởng đến nhà thầu thi công và công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị cho dự án. Đồng thời cũng do Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí nhân công và yếu tố trượt giá.

Dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.768 tỷ đồng, công suất 2,5 triệu tấn/năm và thời gian thực hiện từ 2006 – 2011. Dự án sau đó điều chỉnh tăng mức đầu tư lên gần 2 lần và thời gian làm dự án kéo dài đến năm 2016 – tức chậm 5 năm. Theo tập đoàn, việc điều chỉnh tăng vốn và kéo dài thời gian thi công là do khi khảo sát dự án chưa lường hết được cấu tạo của địa chất công trình nên phải điều chỉnh về sơ đồ khai thông, điều chỉnh và bổ sung một số lò chợ xây dựng cơ bản, chi phí đào lò. Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng cơ bản, dự án đã đưa lò chợ vào tham gia sản lượng.

Đối với Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai khởi công năm 2009 và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2013. Đến năm 2012, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng lên gần 1.956 tỷ đồng. Đến nay dự án đã tạm dừng thực hiện và tiến hành điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án.

Trong khi đó, Dự án Khai thác mở rộng và nâng công xuất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền – Lào Cai do Tổng công ty Khoáng sản TKV làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.003 tỷ đồng và thực hiện từ năm 2009 – 2015. Tuy nhiên, dự án đã phải điều chỉnh đến 3 lần và lần điều chỉnh thứ 4 lên mức đầu tư 2.564,7 tỷ đồng, thời gian thức hiện kéo dài đến năm 2017.

Nguyên nhân việc tăng vốn và chậm tiến độ dự án là do điều chỉnh công suất phù hơp với quy hoạch khai thác và chế biến. Các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có thay đổi lớn.

14 dự án phải dừng thực hiện, lãng phí hàng chục tỷ đồng

Ngoài các dự án kể trên, Vinacomin còn có tới 14 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.773 tỷ đồng phải dừng thực hiện. Trong đó, công ty mẹ có 2 dự án, Tổng công ty Khoáng sản TKV có 12 dự án.

Một số dự án nổi bật trong số đó có thể kể đến Dự án Cảng Kê Gà đã bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư gần 29 tỷ đồng nhưng sau khi tính toán lại thấy công suất thấp nên đã xin dừng thực hiện.

Dự án Nhiệt điện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư dự án gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án sau đó dừng triển khai do cấp điện bằng tuyến cáp ngầm cho đảo đạt hiệu quả hơn. Dự án Trạm biến áp và đường dây cao thế 110KV tại Công ty luyện đồng Lào Cai do Tổng công ty khoáng sản TKV làm chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 542 triệu đồng. Nhưng sau đó dừng thi công vì tỉnh Lào Cai đã đầu tư đường dây 110kV trong khu vực.

Ngoài ra một số dự án của Vincomin cũng rơi vào tình trạng đã giải ngân hàng trăm triệu, nhưng sau đó phải dừng thi công do chưa khảo sát kỹ tình hình thực tế hay do nguyên nhân khách quan khác.

Vy Thương