|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp?

19:24 | 25/04/2023
Chia sẻ
Trong thời gian gần đây nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất thúc đẩy đầu tư công hay thúc đẩy nhà ở xã hội, giảm thuế. Câu hỏi đặt ra là vì sao dòng tiền trên thị trường chưa được cải thiện?

(Ảnh chụp màn hình).

Nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá là một trong số ít những quốc gia sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn những khó khăn, các Ngân hàng Trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như tổng cầu suy giảm thì nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động nhất định.

Do đó, năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng nhưng ưu tiên hàng đầu là sự phát triển an toàn và bền vững.

Bên cạnh đó Quốc hội và Chính phủ trong thời gian gần đây cũng đã liên tiếp đưa ra các giải pháp giúp hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như việc giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giảm thuế, đề xuất giãn hoãn nợ cơ cấu lại các nhóm nợ, ...

Vậy những biện pháp này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như thế nào và dòng tiền trong nền kinh tế liệu có được cải thiện hơn, qua đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán hay không?

Tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Lê Quang Chung Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) đánh giá tổng vốn đầu tư cho phát triển xã hội trong quý I/2023 là 583.000 tỷ, tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng vốn FDI giảm nhẹ 1,1%, tổng vốn của khối tư nhân tăng nhẹ 1,8%, chủ yếu là do một số nguyên nhân.

Thứ nhất lãi suất vẫn còn khá cao, thứ hai tổng cầu trên toàn thế giới cũng như cầu tiêu dùng tại Việt Nam đều khá yếu, vì vậy các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư thêm để tăng quy mô sản xuất. Động lực chính cho nền kinh tế trong đợt này là ở đầu tư công. Đầu tư công đang được giải ngân khá tốt và tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian gần đây nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất thúc đẩy đầu tư công hay thúc đẩy nhà ở xã hội, giảm thuế.

Lý giải về nguyên nhân dòng tiền trên thị trường chưa được cải thiện, chuyên gia cho rằng tất cả các chính sách thì thường vẫn có độ trễ. Dù vậy, dòng tiền đã bắt đầu có dấu hiệu tốt hơn khi Nhà nước đã đưa ra các chính sách nới lỏng.

“Theo thống kê nhiều năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, vùng đáy luôn luôn là vùng mà thanh khoản thị trường không cao. Khi thị trường đang giao dịch ở quanh ngưỡng 1.000 – 1.100 điểm, dễ thấy mỗi đợt thị trường tăng thì thanh khoản có tăng lên, khi thị trường giảm thì thanh khoản cũng giảm theo.

Xét về kỹ thuật thì tôi đánh giá đây là một tín hiệu khá là tốt, cho thấy thị trường đang không còn áp lực cung quá là nhiều. Nhận định của tôi là thị trường sẽ ở vùng này và đi lên trong thời gian tới”, ông Chung chia sẻ.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay nhìn chung vẫn đang theo xu hướng giảm. Cụ thể giá trị giao dịch bình quân ngày của 3 sàn chứng khoán của Việt Nam giảm từ mức 1,8 tỷ USD vào tháng 11/2021 và hiện nay còn khoảng 0,4 tỷ USD vào tháng 3/2023.

“Có nhiều lý do giải thích vì sao thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp. Sau khi vừa trải qua một năm đầy khó khăn thì tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang duy trì tâm lý rất thận trọng, đặc biệt trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong một số quý tới không quá khả quan. Bên cạnh đó lãi suất huy động mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao”.

Linh Chi