|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 tăng 1,8%, trong kịch bản xấu có thể gần như không tăng trưởng

17:20 | 18/10/2021
Chia sẻ
VESS đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay, theo đó GDP được dự báo tăng trong khoảng 0,2% - 1,8%.

Ngày 18/10, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi trao đổi với chủ đề “Đánh giá tình trạng kinh tế Việt Nam 2021 và dự báo những rủi ro trong năm 2022”.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, công bố hai kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021.

Cụ thể, ở kịch bản cao, GDP dự báo tăng 1,8%. Trong kịch bản này, cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch, vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy từ quý IV. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng tích cực. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV và mở rộng ra các tỉnh trong những tháng cuối năm. Tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại.

VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 tăng 1,8%, trong kịch bản xấu có thể gần như không tăng trưởng - Ảnh 1.

Ở kịch bản thấp, tăng trưởng kinh tế dự báo chỉ đạt 0,2% nếu chính sách tiếp tục thiếu đồng bộ, dịch bệnh có khả năng tái phát ở một số địa phương, dẫn tới việc phải thực hiện hạn chế đi lại, tình hình chưa có cải thiện đáng kể trong năm 2021. Tình trạng "đóng – mở" lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm tăng tính bất định cho sản xuất. Các đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng. Thiếu hụt lao động diễn ra đến hết quý I/2022. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

VESS dự báo GDP Việt Nam 2021 tăng 1,8%, trong kịch bản xấu có thể gần như không tăng trưởng - Ảnh 2.

Tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang dần được khôi phục. (Ảnh: Thanh niên).

Về khuyến nghị chính sách, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng Việt Nam cần ưu tiền đẩy nhanh tiến độ và quy mô tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đó, vấn đề khai thông đi lại và lưu thông hàng hóa có thể được giải quyết.

Thứ hai cần đưa ra các gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị ngành y tế và lực lượng y bác sĩ, đồng thời hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt trong khu vực phi chính thức) Ngoài ra, các lãnh đạo tỉnh cũng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiếp nhận người lao động quay trở lại địa phương trên toàn quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, nhưng lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10% đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Cuối cùng, các lãnh đạo cần nhất quán trong các phát ngôn về điều hành kinh tế, kiên định với các nguyên tắc kinh tế thị trường đã được xác lập.

Anh Đào

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).