|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

17:02 | 21/10/2020
Chia sẻ
VEPR dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,6 - 2,8% trong năm 2020. Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính của VEPR trong báo cáo trước đây.

Sáng 21/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quí III.

VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, có thể chỉ tăng khoảng 2,6-2,8% - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quí III do VEPR tổ chức sáng 21/10 tại Hà Nội. (Ảnh: VEPR).

Kinh tế Việt Nam năm 2020 nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6 - 2,8%

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau.

Với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020. Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính của VEPR trong báo cáo trước đây, do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn ở miền Trung trong tháng 7 làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch.

Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2,0%.

Cụ thể trong kịch bản cơ sở (khả năng cao), bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.

Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên qui mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6 - 2,8%.

kịch bản bất lợi (khả năng thấp), bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong quí IV/2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

Với việc làn sóng COVID-19 thứ hai đang bùng phát trở lại tại châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù chưa chắc chắn về việc các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có được tái áp dụng hay không tại các nước này, VEPR cho rằng việc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần khiến cho việc tái phong tỏa toàn bộ nước Mỹ như đầu năm là khó xảy ra. Tại châu Âu, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao cũng khiến việc đóng cửa nền kinh tế sẽ rất tốn kém.

Do vậy, VEPR vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 -  2,8% trong cả năm 2020. 

Lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020. 

Nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong nước trong quí IV, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Các khuyến nghị chính sách đáng chú ý

VEPR cho rằng do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ qui mô lớn.

VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, có thể chỉ tăng khoảng 2,6-2,8% - Ảnh 2.

Dây chuyền hàn khung xe ô tô tại Công ty ô tô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Do đó, các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng; khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành đối với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.

Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc như COVID-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.