Về UPCoM với giá... 600 đồng/cp, Dầu khí Nghệ An có gì?
Hủy niêm yết tại HNX do lỗ lũy kế, lên UPCoM với tình trạng âm vốn chủ
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 15 triệu cổ phiếu PXA của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT) lên UPCoM vào 13/6 với mức giá 600 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường là 9 tỷ đồng. Biên độ giao dịch trong ngày đầu tiên là ± 40% mức tham chiếu.
Trước đó vào ngày 5/6, cổ phiếu PXA bị hủy niêm yết trên HNX do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017 theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017. Cụ thể, Dầu khí Nghệ An lỗ lũy kế gần 151,7 tỷ đồng tính tời thời điểm này trong khi vốn góp chủ sở hữu là 150 tỷ đồng.
Quý I/2018, Dầu khí Nghệ An lỗ gần 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng. Qua đó, mức lỗ lũy kế tính đến hết tháng 3/2018 lên hơn 154 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1,1 tỷ đồng.
Sau khi lên sàn vào tháng 2/2011 với mức giá 16.000 đồng/cp, cổ phiếu PXA giảm mạnh qua các năm và về vùng đáy cho tới nay (mức giá "trà đà" 600 đồng/cp tại phiên gần nhất 4/6), ước tính giảm tới 95% (xét theo giá điều chỉnh).
Diễn biến giá cổ phiếu PXA kể từ khi niêm yết đến nay (Nguồn: VNDirect) |
Kinh doanh yếu kém, từng suýt bị hủy niêm yết bắt buộc
Từ năm 2011 đến nay, kết quả kinh doanh Dầu khí Nghệ An không mấy khả quan. Trong năm đầu niêm yết, công ty từng đạt doanh thu thuần gần 92 tỷ đồng và lãi sau thuế 4,7 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu, lãi ròng của PXA từ năm 2011 đến nay |
Tuy nhiên, các năm 2012 và 2013 đều lỗ nặng nề với tổng cộng hơn 110 tỷ đồng. Theo luật, nếu công ty tiếp tục lỗ trong năm 2014 thì cổ phiếu PXA sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Nhưng năm 2014 doanh thu bất ngờ tăng vọt lên khoảng 300 tỷ đồng phần lớn từ doanh thu kinh doanh bất động sản tăng đột biến 22 lần lên gần 294,5 tỷ đồng, qua đó giúp công ty thoát án hủy niêm yết khi có lãi trở lại nhưng vỏn vẹn 180 triệu đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 |
Việc tăng bất thường này do công ty cấn trừ tài sản cho Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) để thanh toán gốc và nợ vay quá hạn. Các tài sản bao gồm nhiều tầng và văn phòng thuộc tòa nhà Dầu khí Nghệ An với doanh thu, giá vốn tương ứng khoảng 276 tỷ và 275,7 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Dầu khí Nghệ An (Nguồn: PVIT) |
Hết 31/3/2018, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty giữ nguyên tới mức gần 856 tỷ đồng với các dự án Resort Cửa Lò, Khu đô thị Vĩnh Tân và Khu nhà ở Hưng Lộc.
Theo đó, tổng mức đầu tư khu Resort Cửa Lò lên tới 1.400 tỷ đồng, Dự án khu đô thị Vĩnh Tân là 1.200 tỷ đồng và dự án còn lại là 800 tỷ đồng. Riêng hai dự án Resort Cửa Lò và Khu đô thị Vĩnh Tân được công ty triển khai trong giai đoạn từ 2011, 2012.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2018 |
Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 |
Tiếp tục cấn trừ nợ để tồn tại trên sàn, bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận, cổ tức
Theo giải trình Dầu khí Nghệ An, việc thua lỗ do tình hình thị trường bất động sản giao dịch ảm đạm, trầm lắng kéo dài.
Công ty phải giảm giá bán các căn hộ và văn phòng thấp hơn giá vốn. Lãi vay cao dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh lớn. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp không giảm đáng kể. Ngoài ra, công ty trích lập dự phòng công nợ phải thu tỷ lệ 70 - 100% làm chi phí tăng cao.
Biện pháp khắc phục từ phía Dầu khí Nghệ An là đẩy nhanh công tác thu hồi công nợ để trả nợ vay ngân hàng để giảm tiền lãi phát sinh, hoàn nhập chi phí đã trích lập dự phòng, làm việc với các tổ chức tín dụng để cấn trừ công nợ. Bên cạnh đó, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Nguồn: Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 |
Kế hoạch 2018, doanh thu giảm 57% xuống gần 24,5 tỷ đồng. Trong đó, mảng bất động sản và hoạt động khác giảm hơn 63% xuống gần 20 tỷ đồng.
Chỉ tiêu đầu tư tăng mạnh từ 200 triệu lên 26 tỷ đồng. Đáng chú ý, Dầu khí Nghệ An bỏ ngỏ kể hoạch lợi nhuận năm và tiếp tục không chia cổ tức.
Xem thêm |