VDSC: Triển vọng Sasco phụ thuộc vào sự tăng trưởng của sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có dịp tiếp xúc với CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - SAS) nhằm cập nhật kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo đó, hiện tại SAS sở hữu hơn 1.000 m2 diện tích tại sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến sẽ tăng thêm 500 m2 vào năm 2017. Thị phần hàng miễn thuế tại đây của SAS là 70%. Biên lợi nhuận của phân khúc trên tương đối ổn định ở mức 21 – 23%.
Tuy nhiên, do sân bay Tân Sơn Nhất đang hoạt động với công suất tối đa (dự kiến đón 28 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất 110%), khả năng mở rộng tăng trưởng của SAS sẽ gặp những rào cản nhất định, VDSC đánh giá.
VDSC cũng cho biết trong thời điểm hiện tại, sân bay Tân Sân Nhất đang tiến hành xây dựng một nhà ga mới với công suất đón 6 triệu lượt khách/năm. Thời gian hoàn thành dự kiến rơi vào giữa năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2018 cũng chờ đợi một nhà ga với công suất 10 triệu lượt khách/năm, nâng công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất lên 40 triệu lượt khách/năm. Do đó, SAS kì vọng sẽ duy trì được đà tăng trưởng trong phân khúc hàng miễn thuế với 10 – 11% trong năm tới.
Ngoài ra, việc tái cấu trúc lại các sản phẩm thương mại dự kiến cũng sẽ giúp SAS duy trì đà tăng trưởng cho mảng bán lẻ. Bên cạnh đó, SAS cũng đang phân phối độc quyền 8 CIP Lounges (dịch vụ phòng chờ) tại sân bay Tân Sơn Nhất. Với sự gia tăng mạnh của dịch vụ hàng không, mảng này đang mang đóng góp rất tích cực cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với mức tăng trưởng 30%/năm cùng biên lợi nhuận cao ở mức 70%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, CIP Lounge đóng góp khoảng 14% doanh thu, tăng trưởng từ mức 12% của cùng kì năm trước.
Theo VDSC, các mảng dịch vụ khác của SAS lại đang chứng kiến sự chững lại tương đối đáng lo ngại. Resort Blue Lagoon tại Phú Quốc đang có tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống còn khoảng 70%, từ mức 80% và SAS đã phải giảm giá phòng từ 80 USD/đêm xuống còn 65 USD/ đêm trong thời gian qua. Ngoài ra, dịch vụ taxi tại Phú Quốc với thị phần 20% (đội xe có hơn 100 xe) dự kiến sẽ được tái cấu trúc trong thời gian tới. Mặc dù vậy, do đóng góp vào kết quả kinh doanh của các mảng trên không cao, sự sụt giảm về hiệu quả hoạt động sẽ không đem lại nhiều tác động trọng yếu lên doanh nghiệp.
VDSC cho rằng, triển vọng của SAS trong tương lai đang phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng và mở rộng của sân bay Tân Sơn Nhất. Các chất xúc tác chính cho tăng trưởng của SAS trong tương lai đến từ (1) hoạt động mở rộng của Tân Sơn Nhất, (2) sự hiệu quả trong việc tái cấu trúc lại sản phẩm phân phối và (3) đấu thầu diện tích sử dụng tại các sân bay mở mới trong tương lai.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SAS năm 2016 được dự phóng đạt lần lượt trên 2.000 tỷ đồng và 180 tỷ đồng (giảm trừ đi các khoản LN đột biến). Năm 2017, SAS dự kiến sẽ trình lên Đại hội cổ đông với kế hoạch LNST khoảng từ 180 - 200 tỷ đồng. Với kế hoạch đề ra, EPS 2017 được dự kiến ước đạt 1521 đồng/cổ phần.