VDSC: NĐT ngắn hạn có thể tận dụng vị thế tiền mặt để lướt sóng cổ phiếu có sẵn trong danh mục
Trong tháng 10, thanh khoản vẫn là tâm điểm của thị trường khi tiếp tục bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu được bắt nguồn từ sai phạm trong phát hành trái phiếu cũng như áp lực chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Bên cạnh đó, các lo ngại về rủi ro về các trái phiếu của các doanh nghiệp khác đã phát hành trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể khi sự việc được công bố. Hệ quả là, áp lực nhà đầu tư đáo hạn trái phiếu trước hạn gia tăng, diễn biến này đã tác động đến các tổ chức tài chính, các tổ chức phát hành trái phiếu và cả thị trường chứng khoán.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ, và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Do đó, sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn và ngắn hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu.
Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940 - 1.050. Với diễn biến này, sẽ rất khó để các NĐT ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận. Các nhà phân tích của Rồng Việt giữ quan điểm duy trì danh mục phòng thủ với tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu.
"Chúng tôi cho rằng NĐT ngắn hạn có thể tận dụng vị thế tiền mặt sẵn có để lướt sóng cổ phiếu có sẵn trong danh mục nhằm tận dụng lợi thế T+. Nếu kiên nhẫn chờ mua thấp, hiệu suất sinh lời của NĐT sẽ tốt hơn mua đuổi trong phiên.
Với mức giảm hơn 30% từ đỉnh 1.500 điểm, định giá của VN-Index đã giảm về mức thấp trong nhiều năm, do vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt/ tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể phân bổ một phần danh mục để tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu dài hạn".
Trong bối cảnh hiện tại, VDSC cho rằng những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao và ngành kinh doanh mang tính chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn sẽ với phần còn lại. Bên cạnh đó, sau đại dịch, nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự phân hóa về sức khỏe giữa các ngành, và các doanh nghiệp trong cùng ngành.