NĐT cá nhân duy trì mua ròng 330 tỷ đồng tuần VN-Index giảm hơn 30 điểm, tập trung gom HPG đối ứng lực xả của khối ngoại
VN-Index chịu áp lực tương đồng với chứng khoán thế giới sau cuộc họp tăng lãi suất của Fed. Trước những thông tin bất ổn về kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá bi quan.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index rung lắc và có dấu hiệu hụt hơi sau 2 phiên phục hồi nhẹ đầu tuần. Sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng và diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới với sắc đỏ bao trùm.
Thanh khoản bán chủ động dần gia tăng ở hầu hết các nhóm ngành khiến cho chỉ số chung liên tục mất điểm và xuống dưới mốc 1.000 điểm trong phiên cuối tuần. Trong đó nhóm cổ phiếu thép và bán lẻ chịp áp lực bán mạnh nhất với mức giảm hơn 9% trong tuần vừa qua. Kết tuần, VN-Index giảm 30,21 điểm tương đương với 2,94% so với tuần trước xuống 997,15 điểm.
Dòng tiền ngoại tỏ ra khá thận trọng khi giao dịch một cách trầm lắng và tiếp tục bán ròng trong phiên cuối tuần, đẩy quy mô rút ròng cả tuần lên gần 540 tỷ đồng. Giao dịch trái chiều khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 330 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng kênh khớp lệnh thì các cá nhân trong nước mua ròng 683 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân chủ yếu tìm đến nhóm thép, bất động sản
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với tỷ lệ ngành được mua ròng/bán ròng là 10/8. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị lên tới 1.314 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này có nhịp giảm 8,8% tuần qua, chỉ đứng sau nhóm bán lẻ với 11,98%.
Theo sau, lực cầu của cá nhân trong nước tìm đến các ngành bất động sản (415 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (45 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (34 tỷ đồng), công nghệ thông tin (26 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu vua đứng đầu danh mục rút vốn với giá trị 431 tỷ đồng. Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có một tuần giao dịch tương đối phân hóa với mức giảm toàn ngành là 0,63%, là một trong những nhóm giảm ít nhất thị trường, trong đó mức giảm điểm chủ yếu do phiên thứ Sáu cuối tuần giảm 1,1%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng mạnh trong tuần lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang tăng lên. Tương tự, chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng tăng và duy trì ở vùng cao của 1 năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 375 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, 162 tỷ đồng ngành hóa chất, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như dầu khí (89 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (77 tỷ đồng), bán lẻ (51 tỷ đồng), …
NĐT cá nhân tập trung xả VNM, nhưng mua ròng mạnh nhất HPG
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện VNM của nhóm thực phẩm đồ uống với 214,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của tổ chức nội và tự doanh.
Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Vinamilk, TCB của Techcombank và DGC của Hóa chất Đức Giang cũng chịu lực xả ròng hơn 190,4 tỷ đồng và 150,1 tỷ đồng.
Tương tự, loạt cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm CTG, MSB, MBB với giá trị lần lượt là 116,9 tỷ đồng, 89,7 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như MSN (137,7 tỷ đồng), VHM (100,9 tỷ đồng), GMD (83,5 tỷ đồng) và PVD (80,8 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng đột biến 1.320,7 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (188 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (1.139 tỷ đồng). Tuần qua, HPG với mức giảm 12,8% đã lấy đi 3,1 điểm của VN-Index.
Cùng chiều, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng được mua ròng 320,6 tỷ đồng. Tương tự loạt mã bất động sản cũng nằm trong Top gom ròng, bao gồm VIC và NVL với giá trị lần lượt 93,9 tỷ và 66,1 tỷ đồng.
Hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngân hàng như ACB (142 tỷ đồng), HDB (71,2 tỷ đồng), VPB (61,7 tỷ đồng) và STB (58,7 tỷ đồng).