Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: EIB giảm mạnh cả về giá lẫn thanh khoản, tự doanh gom mua nhiều mã
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, EIB giảm sâu sau chuỗi tuần thanh khoản "đột biến"
Trong tuần qua (31/10 - 4/11), nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa với 15/27 mã giảm giá và 12 mã tăng giá. Cụ thể, sau 5 ngày giao dịch, mã EIB giảm sâu nhất với mức -17,1%, xuống còn 32.650 đồng/cp, ngang với mốc đầu tháng 10. Đà giảm của cổ phiếu này diễn ra sau nhiều tuần được giao dịch thỏa thuận "sôi động" với giá trị giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài EIB, các cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên HNX và UPCoM chiếm đa số trong nhóm cổ phiếu giảm giá tuần qua với dẫn đầu là PGB với mức -10,4%, VBB và NVB cùng -8,8%. Trên HOSE, đứng sau EIB, ACB là mã giảm mạnh nhất tuần qua với mức -9,6%, xuống còn 20.150 đồng/cp. Riêng trong phiên cuối tuần, mã này đã giảm 5,6%.
Ở chiều ngược lại, dẫn đầu nhóm tăng giá là MSB với mức tăng 5,3%, với phiên cuối cùng rút chân, kết tuần tại mức 12.900 đồng/cp. Có chung diễn biến, OCB đóng cửa tuần qua tại mức giá 13.850 đồng/cp, tăng 4,9% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, ở chiều tăng giá chỉ có các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE khác như TCB, VPB, STB, SHB, CTG, ...
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự điều chỉnh nhẹ so với tuần trước đó khi không còn những giao dịch thỏa thuận lớn của EIB. Cụ thể, tuần qua có hơn 777 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư (giảm 7,6% so với tuần trước đó); song giá trị giao dịch tương đương giảm mạnh 18% xuống mức 14.098 tỷ đồng.
Không còn những giao dịch lớn, khối lượng giao dịch của EIB trong tuần này đã sụt xuống còn hơn 20,4 triệu đơn vị, xếp sau nhiều mã ngân hàng khác. Qua đó, vị trí đứng đầu đã quay về STB với hơn 122,8 triệu đơn vị được giao dịch, tăng gần 11% so với tuần trước đó. Xếp sau đó là VPB với 102,4 triệu cổ phiếu. Đây cũng là 2 mã có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị trong tuần qua.
Xét về giá trị giao dịch, STB cũng đứng đầu với mức 2.059 tỷ đồng, cách biệt so với mức 1.743 tỷ đồng sau đó của VPB. Ngoài ra, chỉ có 4 mã khác có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng tuần qua gồm có MBB (1.537 tỷ đồng), TCB (1.324 tỷ đồng), CTG (1.122 tỷ đồng) và SHB (1.044 tỷ đồng).
Cũng trong tuần qua, dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 74 tỷ đồng HDB và 46 tỷ đồng STB. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm này không mua ròng cổ phiếu ngân hàng nào quá 20 tỷ đồng.
Đối với nhóm tự doanh lại là 1 tuần giao dịch "nhộn nhịp" các cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này đã mua ròng hơn 248 tỷ đồng VPB, 143 tỷ đồng TCB, 97 tỷ đồng EIB, 83 tỷ đồng MBB, 79 tỷ đồng CTG, 66 tỷ đồng TPB và 50 tỷ đồng MSB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
NHNN chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm 4.109 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng tăng lên 17.808 tỷ đồng.
SHB thông báo ngày 24/11/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng, lên mức 30.674 tỷ đồng.
VPBank lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Ngân hàng dự kiến sẽ xin ý kiến của cổ đông về việc này vào cuối tháng 11 và sẽ có thông tin cụ thể tới nhà đầu tư, bao gồm cả khối lượng dự kiến mua và phương án mua để tiến hành khi điều kiện thị trường cho phép.
Ông Đỗ Xuân Thụ, bố của ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên HĐQT VIB, đã bán ra 4 triệu cổ phiếu từ 4/10-2/11 trong khi con gái của ông Hoàng lại thực hiện mua số lượng cổ phiếu tương đương.
Trong hai phiên 2/11 và 3/11, tổng lượng thanh khoản mà NHNN bơm vào thị trường trong là 49.631 tỷ đồng qua kênh thị trường mở. Sau động thái bơm ròng mạnh của NHNN, lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt.