|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Lãi suất và tỷ giá chưa hạ nhiệt, VND có thể mất giá 10 - 15% trong năm 2022

10:42 | 26/10/2022
Chia sẻ
Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, VDSC không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10%-15% trong năm 2022.

Tháng 10 vừa qua là một tháng đầy biến động của thị trường tiền tệ trong nước, câu chuyện lãi suất và tỷ giá của Việt Nam chỉ trong một tháng đã diễn biến rất nhanh và hiện tại vẫn chưa hạ nhiệt, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây. 

Việc tỷ giá USD/VND tăng vọt đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % nhằm kiềm hãm đà tăng của tỷ giá. Hành động tăng lãi suất của NHNN theo đó ảnh hưởng đến một loạt các lãi suất trên thị trường 1. Chênh lệch lãi suất cho vay qua đêm giữa tiền USD và tiền VND hiện đang ở mức 300 điểm cơ bản.

Dù vậy, biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, VDSC không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10%-15% trong năm 2022. 

Tỷ giá và lãi suất hiện đang là một vòng xoáy, chuyên gia cho rằng NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1 điểm % lãi suất điều hành trong hai tháng cuối năm vì hiện tại đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN chỉ bán ra chưa đến 1 tỷ USD, cho thấy bộ đệm dự trữ ngoại hối đã yếu đi đáng kể. Đồng thời, dù cán cân thương mại thặng dư nhẹ nhưng triển vọng xuất khẩu kém khả quan khiến cho cán cân thanh toán không đủ sức để cân bằng áp lực đối với nhu cầu USD trong nước. 

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Áp lực mất giá tiền đồng là chủ quan hay khách quan? 

Theo VDSC, biến động tỷ giá trong tháng vừa qua phần lớn do nguyên nhân nội tại hơn là do áp lực từ bên ngoài. Chỉ số đồng USD gần như đi ngang trong suốt thời gian qua, giao dịch ở vùng 110-113 từ đầu tháng 10 đến nay.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 2,1% trước và sau kỳ họp Đại hội Đảng. Xét mức biến động theo tháng, tiền đồng có thể là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất so với đồng USD trong tháng 10.

Chuyên gia nhìn nhận nguyên nhân nội tại là những biến động trên thị trường ngân hàng, sự kiện Vạn Thịnh Phát (VTP) là khởi điểm kéo theo việc hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những tác động dây chuyền sau đó vẫn chưa kết thúc. 

Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, tiền đồng đã mất giá 4,1% so với cuối tháng 9, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền đồng trong suốt 9 tháng đầu năm. Tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng mạnh song hành với việc NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá và tăng giá bán USD cho các NHTM.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã có bước điều chỉnh nhanh và mạnh trong tháng 10, tăng 1,3% so với cuối tháng 9, cao hơn mức điều chỉnh 1,1% trong suốt 9 tháng đầu năm. Trong tháng 10, giá bán USD của NHNN đã tăng tổng cộng 3 lần với tổng mức tăng là 1.170 đồng, cao hơn nhiều so với mức điều chỉnh 550 đồng trong 3 lần tăng trước đó.

Trên thị trường tự do, tỷ giá tự do đã tăng thêm 3,8% trong tháng 10, tuy nhiên, khác với các giai đoạn trước đó, bước tăng tỷ giá tự do có phần chậm hơn và đều là phản ứng theo sau các quyết định điều chỉnh chính sách tỷ giá của NHNN.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá xấp xỉ 8,8% trên thị trường chính thức, diễn biến đang có xu hướng rơi vào kịch bản xấu mà VDSC kỳ vọng là mức mất giá 10% cho cả năm 2022. 

Phương Nga