VDSC gợi ý 5 cơ hội đầu tư trong tháng 6
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 công bố mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn giữ quan điểm thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua – bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để “all in”. Do đó, tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình “đầu tư dài hạn”.
Trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý I/2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận sẽ được quan tâm khi mà các doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý II/2023.
Theo nhóm phân tích của Rồng Việt, các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý I vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý II khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành như điện (HND, QTP), ngân hàng (MBB), dệt may (STK) và hàng không (ACV).
MBB
VDSC nhận định Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 23 tháng 4 năm 2023 là cơ sở để các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ và giảm bớt áp lực chi phí trích lập dự phòng trong vài quý tới.
Năm 2023, thu nhập lãi sẽ là động lực cho tổng thu nhập hoạt động trong khi các mảng kinh doanh ngoài lãi dự báo sẽ kém thuận lợi hơn. Tổng thu nhập hoạt động của MBB được dự báo sẽ tăng lên 51 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), nhờ thu nhập lãi tăng trưởng 15% so với cùng kỳ và thu nhập ngoài lãi không đổi.
Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng được dự báo sẽ tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ. Dự báo lợi nhuận sau thuế 2023 - 2024 lần lượt là 20.011 tỷ đồng (tăng 15%) và 23.348 tỷ đồng (tăng 17%). Giá trị sổ sách tương ứng lần lượt là 20.600 và 25.000.
ACV
Trong quý I/2023, sản lượng hành khách quốc tế đã tăng 32% so với quý IV/22 giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh và lợi nhuận gộp theo đó tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dù vậy tăng với tốc độ chậm hơn, 87%, do lỗ tỷ giá và trích lập dự phòng phải thu.
Cho cả năm 2023, VDSC kỳ vọng tổng lượt khách quốc tế tại các cảng hàng không của ACV (bao gồm bay 2 chiều của khách du lịch quốc tế và nội địa đi quốc tế) dự báo đạt khoảng 31,7 triệu lượt, tương ứng 76% mức trước dịch.
Qua đó, nhóm phân tích điều chỉnh tăng doanh thu và EBIT lên mức 19.100 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) và 8.500 tỷ đồng (tăng 85%). Trong kịch bản đồng Yên tăng giá 5% so với đồng Việt Nam, ước tính ACV có thể lỗ tỷ giá 1.000 tỷ trong khi năm 2022 có lãi 2.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó chỉ đạt 7.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 2% so với cùng kỳ.
STK
VDSC kỳ vọng xuất khẩu hồi phục, lợi nhuận của STK tạo đáy trong quý I và đơn hàng đang có sự cải thiện tích cực trong tháng 4 và 5. Đồng thời, nhà máy Củ Chi đã bắt đầu chạy lại từ cuối tháng 3 và đạt hiệu suất 70% trong quý II.
Các nhà phân tích kỳ vọng hoạt động nhà máy sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2023 khi dự phóng đơn hàng của khách hàng đang tích cực hơn. Kết quả kinh doanh quý II/2023 dự kiến với doanh thu đạt 420 tỷ đồng, giảm 20% so với mức nền cao của quý II/2022. Lãi sau thuế dự kiến đạt 33 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ.
HND
Kết quả kinh doanh của HND dự kiến sẽ hồi phục trong quý II nhờ (1) sản lượng điện sản xuất hồi phục nhờ nguồn nhiên liệu được đảm bảo và (2) giá phát điện cạnh tranh trên thị trường điện dự kiến tiếp tục neo ở mức cao trong khi giá than bắt đầu giảm từ tháng 4/2023.
VDSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2023 lần lượt đạt 3.000 tỷ, tương đương cùng kỳ năm ngoái và 200 tỷ, giảm 29%.
QTP
Bên cạnh HND, VDSC đánh giá QTP cũng là một cổ phiếu nhiệt điện đáng cân nhắc với (1) tỷ suất cổ tức cao, ổn định, (2) kết quả kinh doanh 2023 tăng trưởng trong bối cảnh cầu lớn hơn cung ở miền Bắc, trong khi sự cố của 1 số tổ may nhiệt điện than của Phả Lại, Vũng Áng, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 vẫn đang khắc phục, (3) Theme Elnino tới gần trong 2024, trong khi giá than thế giới (Úc, Indo, Nga) nhìn chung đang dần ổn định.