VDSC: Dòng tiền luân chuyển vào nhóm VN30, VN-Index tiến lên 1.580 điểm trong tháng 2 nhờ ngành ngân hàng và dầu khí
Trong báo cáo chiến lược tháng 2 công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã: VDS) kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên nhờ sự luân chuyển dòng tiền vào nhóm cổ phiếu có nội tại cơ bản tốt và có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm 2022.
Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh, thị trường khá thận trọng khi thanh khoản chưa cao và duy trì mức dưới 30.000 tỷ đồng/phiên. Theo quan điểm của VDSC, dòng tiền đầu tư sẽ phân hóa và đa dạng ở các nhóm ngành/cổ phiếu.
Trong nhóm VN30, đối với cổ phiếu ngân hàng, công ty chứng khoán này cho rằng sự chững lại của giá cổ phiếu trong 6 tháng cuối năm 2021 đã phản ánh sự tăng trưởng chậm lại, ở mức 12% so với mức tăng trưởng 55% trong nửa đầu năm.
Trong thời gian tới, VDSC kỳ vọng hoạt động của các ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện như chia cổ tức và phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng trong quý I, trong khi các ngân hàng tư nhân được cho là có những tin tức tích cực và tăng trưởng vượt bậc từ quý II và III.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cũng đã có mức điều chỉnh đáng kể và phản ánh vào kết quả kinh doanh quý IV/2021 với tăng trưởng chậm lại khi giá thép có diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, VDSC tin rằng dòng tiền vào nhóm ngành này có thể cải thiện trong thời gian tới khi triển vọng năm 2022 được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong sản lượng bán hàng nội địa.
Thời điểm hiện tại, việc NĐT luân chuyển dòng tiền vào nhóm VN30 là khá phù hợp khi nội tại các doanh nghiệp tốt và có thanh khoản cao. Từ đó, thị trường giữ được nhịp ổn định.
Ngoài nhóm VN30, VDSC cũng đánh giá cao ngành bán lẻ, kho vận và xuất khẩu sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền hỗ trợ bởi việc mở cửa trở lại của các cửa hàng, nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng toàn cầu và việc bình thường hóa chuỗi cung ứng trong năm 2022.
Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. VDSC cho rằng lạm phát có khả năng vẫn sẽ được kiểm soát (dưới 4%) tuy nhiên vẫn là yếu tố cần lưu tâm và quan sát.
Trong thời gian tới, lo ngại nguy cơ nhập khẩu lạm phát khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu (tỷ trọng giá nguyên liệu nhập khẩu trên tổng chi phí nguyên liệu của toàn nền kinh tế là 37%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong đó, sự gia tăng của chi phí xăng dầu (chiếm 3,52% chi phí sản xuất) do giá dầu Brent thế giới tăng (khoảng trên 90 USD/thùng, mức cao nhất trong 8 năm qua và tăng 80% so với đầu năm 2021) sẽ làm tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào, khiến lạm phát tăng cao. Do đó, diễn biến của giá dầu là yếu tố đáng quan tâm mà nhà đầu tư lưu ý trong thời gian tới.
VDSC kỳ vọng nhóm cổ phiếu dầu khí bao gồm BSR, PLX, GAS sẽ hỗ trợ phần nào cho VN-Index trước diễn biến thuận lợi của giá dầu.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, các ngân hàng tư nhân cũng có cơ hội với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới cùng với các gói hỗ trợ tích cực của chính phủ.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như thép, bán lẻ, kho vận và xuất khẩu cũng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền như đã trình bày và phần nào hỗ trợ nhịp tăng của thị trường. Nhìn chung, VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.430 - 1.580 điểm.