|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Động lực nào cho mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 326% của Thép Nam Kim trong năm 2020?

08:05 | 05/03/2020
Chia sẻ
Thép Nam Kim đặt chỉ tiêu sản lượng bán hàng 750.000 tấn, tăng 11% so với kết quả năm trước nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cao hơn tới 326%, tương ứng 200 tỉ đồng.
VDSC: Động lực nào cho mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 326% của Thép Nam Kim trong năm 2020? - Ảnh 1.

Ảnh: Baodauthau

Theo một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tôn mạ trong năm sau sẽ tiếp tục cạnh tranh quyết liệt vì dư cung. Hiện tại, tổng công suất ước tính của cả ngành tôn mạ khoảng 4,9 - 5,6 triệu tấn/năm. Nhưng theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tôn mạ được bán bởi thành viên Hiệp hội chỉ khoảng 3,8 triệu tấn.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên mảng tôn mạ. Giá thép cán nóng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6%, xuống 470 USD/tấn trong tháng 2. Tuy nhiên, trong quí I/2020, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vẫn sẽ duy trì được lợi nhuận nhờ lượng tồn kho giá thấp từ tháng 10 - 11 năm ngoái, VDSC nhận định.

VDSC: Động lực nào cho mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 326% của Thép Nam Kim trong năm 2020? - Ảnh 2.

Tuy vậy, giá thép cán nóng thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim. Ngoài ra, do cầu tôn mạ thấp tại Trung Quốc nên các nhà sản xuất tại đây cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, làm giảm giá tôn mạ tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu khác của Thép Nam Kim.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020, Thép Nam Kim đặt chỉ tiêu sản lượng bán hàng 750.000 tấn, tăng 11% so với kết quả năm trước nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế cao hơn tới 326%, tương ứng 200 tỉ đồng.

Theo đó, ban lãnh đạo của Thép Nam Kim kì vọng giá thép cán nóng sẽ dao động trong khoảng 480 - 500 USD/tấn và biên lợi nhuận gộp sẽ tăng từ 2,8% lên 6%.

VDSC: Động lực nào cho mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 326% của Thép Nam Kim trong năm 2020? - Ảnh 3.

Hiện tại, Thép Nam Kim đang hoàn tất thủ tục để khởi công dự án xây dựng nhà máy ống thép mới ở Chu Lai vào tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 7. Trong giai đoạn đầu, nhà máy cung cấp khoảng 100.000 tấn ống thép và sẽ đạt công suất tối đa 150.000 tấn trong giai đoạn sau.

Về mặt cơ cấu tài chính, trong năm qua, vay và nợ thuê tài chính của Thép Nam Kim cũng đã giảm đáng kể. Cụ thể, tổng nợ vay giảm 30%, xuống còn 3.092 tỉ đồng, trong đó có 2.389 tỉ đồng vay ngắn hạn và 703 tỉ đồng vay dài hạn nên áp lực chi phí lãi vay trong thời gian tới cũng được cải thiện.

Chiến lược kinh doanh năm 2020, Thép Nam Kim vẫn tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa do xuất khẩu gặp khó khăn. Về cơ bản, động lực của Thép Nam Kim trong năm sau đến từ dự án nhà máy mới, chi phí lãi vay điều chỉnh do giảm nợ. Nhưng việc có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép toàn cầu. 

Thiên Cơ