|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ sang châu Âu hưởng lợi nhờ chốt được giá cao

21:19 | 25/05/2022
Chia sẻ
VDSC cho rằng việc chốt hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu vào thời điểm giá cao sẽ giúp các nhà máy tôn mạ như Nam Kim và Hoa Sen có thể mở rộng biên lợi nhuận gộp trong quý II.

Trong báo cáo ngành thép công bố hôm 23/5, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết thị trường thép châu Âu đang hoảng loạn bởi chiến sự Nga – Ukraine. Từ đầu tháng 3 đến tháng 4, giá thép HRC giao ngay tăng vọt từ 1.068 USD/tấn lên 1.584 USD/tấn.

Các lệnh trừng phạt của EU với Nga và sự tàn phá của xung đột vũ trang khiến các nhà máy lo ngại chi phí sản xuất cao do giá năng lượng tăng.

Ngược lại, người mua e ngại viễn cảnh nguồn cung thép từ các nhà cung cấp lớn như Nga và Ukraine sẽ bị gián đoạn hoặc giảm mạnh và sản xuất thép nội khối sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ giữa tháng 4 đến nay, giá HRC giao ngay đã liên tục giảm, đạt 1.300 USD/tấn vào cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn giai đoạn trước chiến tranh.

Đối với các hợp đồng giao sau, giá HRC hiện chốt quanh mức 1.000 USD/tấn giao sau hai tháng và 960-970 USD/tấn giao sau ba tháng. Đây là mức giá thấp nhất từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

 

Biến động địa chính trị tại châu Âu khiến chênh lệch giá HRC châu Âu – Việt Nam tăng từ 256 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 667 USD/tấn cuối tháng 3 và điều chỉnh về 405 USD/tấn ngày 20/5.

Việc chốt hợp đồng xuất khẩu sang châu Âu vào thời điểm giá cao sẽ giúp các nhà máy tôn mạ như Nam Kim và Hoa Sen có thể mở rộng biên lợi nhuận gộp trong quý II, VDSC nhận định.

Tuy nhiên, sản lượng thép xuất khẩu sẽ khó cao được như quý II/2021 bởi các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với nhu cầu tiêu thụ hàng không thiết yếu giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu.

Đối với triển vọng quý III, VDSC cho rằng giá thép xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào mức tồn kho của người mua tại châu Âu và thời điểm mua nguyên liệu HRC của doanh nghiệp.

 

Hoàng Anh