|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VDSC chỉ ra chiến thuật đầu tư theo ba sự kiện lớn năm 2023

14:55 | 03/01/2023
Chia sẻ
VDSC gợi ý chiến thuật đầu tư cho các nhà đầu tư (NĐT) theo ba sự kiện lớn trong năm 2023 gồm sự ảnh hưởng của ETFs, Trung Quốc mở cửa và đón đầu sự trở mình của nền kinh tế.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tin rằng “trong ngành triển vọng sẽ có những cổ phiếu định giá không còn hấp dẫn, và trong ngành kém khả quan sẽ có những doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt trong khủng hoảng nhưng định giá đã bị chiết khấu sâu”.

Do vậy, VDSC hướng đến việc lựa chọn cổ phiếu hơn là lựa chọn ngành đối với chủ đề đầu tư này. Một số tiêu chí có thể tham khảo để lựa chọn cổ phiếu bao gồm định giá đã giảm về mức thấp của chu kỳ kinh tế suy giảm trước; là những doanh nghiệp tốt trong ngành khỏe và doanh nghiệp khỏe trong ngành kém khả quan; sử dụng đòn bẩy tài chính thấp và hiệu quả hoạt động cao hơn chi phí lãi vay; và hiệu quả sinh lời trên vốn cao và khả năng trả cổ tức.

Theo dòng tiền lớn, sự ảnh hưởng của ETFs

Diễn biến dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam. (Nguồn:Bloomberg, Rồng Việt).

VDSC cho biết sự ra đời của các rổ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead, VNFinseclect, VNMid giúp đa dạng danh mục sản phẩm của các quỹ đầu tư với sự ra đời của các quỹ ETFs. Từ cuối năm 2020, dòng vốn này bắt đầu hoạt động sôi động hơn và có thời điểm trở thành trụ đỡ của thị trường đặc biệt trong những giai đoạn suy giảm mạnh.

So với các quốc gia lân cận, Việt Nam được xem là nền kinh tế có bức tranh vĩ mô tương đối ổn định và tăng trưởng khả quan. Do vậy, VDSC kỳ vọng các quỹ ETFs sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền ngoại trong năm 2023. Lựa chọn cổ phiếu tốt thuộc danh mục các rổ chỉ số mà các ETF này tham chiếu có thể sẽ giúp danh mục của NĐT cá nhân ít chịu tổn thương hơn trong những nhịp suy giảm mạnh của thị trường.

Các sức ép về chi phí và nhu cầu sẽ được giải tỏa một phần sau khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. (Nguồn: TCHQ, Rồng Việt).

Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn vừa là đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu. Do vậy, sự kiện tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động trái chiều lên các nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh các nhóm hàng hóa nông sản, VDSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi mở cửa nền kinh tế, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc đóng góp hơn 15% trong kim ngạch xuất khẩu và 12% trong kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới. Vì vậy, giai đoạn Zero-Covid (ZCP) của Trung Quốc đã gây nên những sức ép nhất định với chi phí kho vận, cũng như một số loại chi phí nguyên vật liệu đầu vào của thế giới. Rồng Việt kỳ vọng áp lực này sẽ vơi đi từ nửa cuối năm 2023, trong kịch bản Trung Quốc mở lại hoàn toàn từ thời gian này.

Ngoài ra, trong thời gian Trung Quốc thực hiện ZPC, hoạt động tiêu dùng bị tác động tiêu cực nhiều hơn hoạt động sản xuất. Trong lĩnh vực tiêu dùng, tiêu dùng hàng hoá nhờ sự bùng nổ của các nền tảng bán hàng online lại là nhóm chịu tác động tiêu cực ít hơn so với tiêu dùng dịch vụ. Như vậy, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tác động tích cực rõ thấy nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng dịch vụ.

Top 10 quốc gia có khách du lịch cao, trước dịch COVID-19 và hiện tại. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Rồng Việt).

Mặc dù đã mở cửa trở lại, lượt khách du lịch đến Việt Nam vẫn ở mức thấp do thiếu vắng một lượng lớn khách Trung Quốc, VDSC kỳ vọng việc mở cửa trở lại sẽ mang đến nhiều du khách và nguồn thu cho du lịch năm 2023. Dù vậy, không có nhiều cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này hoặc gián tiếp hưởng lợi như hàng không hay dịch vụ hàng hóa. Thay vào đó, VDSC kỳ vọng sự lan tỏa sang các nhóm hàng tiêu dùng như đồ uống và thực phẩm.

Đón đầu sự trở mình của nền kinh tế

Rồng Việt nhận định với tỷ lệ dân số trẻ cao và xu hướng gia đình một thế hệ đang diễn ra, nhu cầu thực về nhà ở vẫn ở mức cao. Do đó, VDSC tin rằng các nhà bất động sản với chính sách phát triển thận trọng và hướng đến phân khúc nhà ở thực vẫn là những ứng viên đáng quan tâm.

(Nguồn: Rồng Việt).

Bên cạnh đó, theo quan sát của VDSC chỉ số P/B của ngành ngân hàng đã giảm về mức xấp xỉ mức P/B của năm 2012 – 2013, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của ngành ngân hàng Việt Nam. Như vậy, để đón đầu một chu kỳ mới trong trung và dài hạn, Rồng Việt cho rằng cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những cổ phiếu mà NĐT không nên bỏ qua trong quá trình sàng lọc đầu tư.

Năm 2022, cổ phiếu ngân hàng trải qua hai đợt sụt giảm giá mạnh sau các sự kiện Tân Hoàng Minh vào tháng 4 và Vạn Thịnh Phát liên đới với ngân hàng SCB vào tháng 9/2022. Hai đợt sụt giảm này đã đưa định giá ngành về mức thấp trong 10 năm qua. VDSC cho rằng định giá này đang phản ánh một phần cho những rủi ro mà ngành đang và sẽ đối mặt trong giai đoạn tiếp theo.

Dù vậy, VDSC cho rằng so với giai đoạn tái cơ cấu 2012 – 2013, khả năng ứng phó với rủi ro của ngành đã đã cải thiện hơn đáng kể khi mà mức độ sở hữu chéo giữa các ngân hàng giảm mạnh; tỷ lệ an toàn vốn cao, hầu hết các ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo chuẩn Basel II; và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao.

Do đó, mặc dù VDSC đánh giá triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2023, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn ngay sau khi kinh tế thế giới và trong nước khởi sắc, thay vì phải mất nhiều năm tái cơ cấu như trước đây.

P/B của ngành ngân hàng đã giảm về mức xấp xỉ mức P/B của năm 2012 – 2013. (Nguồn: Rồng Việt).

Diệu Nhi