|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VCCI đề nghị loại bỏ nhiều 'chốt chặn' cuối cùng về xuất khẩu gạo

14:28 | 12/07/2017
Chia sẻ
Trong kiến nghị góp ý đến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công Thương gửi tới các cơ quan liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Công Thương lược bỏ, xoá bớt các điều kiện kinh doanh bất hợp lý và không phù hợp với thực tế thị trường.

Theo VCCI, từ việc xóa bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo đến sự ra đời của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109 nói trên theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh xuất khẩu gạo cho thấy Bộ Công Thương đã lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp (DN) và có những phản ứng chính sách phù hợp.

vcci de nghi loai bo nhieu chot chan cuoi cung ve xuat khau gao
VCCI đề nghị Bộ Công Thương loại bỏ nhiều quy định chưa phù hợp tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh lúa gạo

Việc sửa đổi Nghị định 109, xóa bỏ những chốt chặn cuối cùng, cản trở hoạt động kinh doanh lúa gạo, tạo điều kiện mở rộng thị trường này, đa dạng hóa kênh phân phối... là cơ sở cho ngành lúa gạo cạnh tranh, phát triển.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định trên vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều điểm chưa phù hợp cần sửa đổi, loại bỏ. Cụ thể, về điều kiện kho và cơ sở xay xát thóc, gạo, Dự thảo hiện đang sử dụng cụm từ "có kho chuyên dùng" khiến có nhiều cách hiểu khác nhau.

VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp (DN) có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho.

Về điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương loại bỏ điều kiện bắt buộc có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất tại Dự thảo.

Cơ quan này viện dẫn: Nếu quy định bắt buộc sẽ khiến cho nhiều DN không thể xuất khẩu, mặc dù họ có cơ hội để mua gạo của nông dân và bán cho nước ngoài. Việc này sẽ làm giảm cơ hội, thu hẹp thị trường.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI: Thủ tục đối với giấy phép xuất khẩu gạo, để DN được cấp giấy phép xuất khẩu gạo họ phải làm 3 thủ tục hành chính: Sở Công Thương xác nhận kho chứa; Sở Nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con.

Ông Tuấn cho biết: Dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương đã thay cơ chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thành thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn yêu cầu bắt buộc phải thông báo hợp đồng thì mới được thông quan hàng hóa.

"Việc bắt buộc DN phải thông báo thì mới được xuất khẩu gạo sẽ gây ra những cản trở không cần thiết. Trong khi đó, khi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu thì DN đã phải nộp tờ khai hải quan. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan điều hành xuất khẩu gạo tiếp nhận thông tin từ hải quan, thay vì yêu cầu DN phải làm thủ tục thông báo", đại diện VCCI đề nghị.

Nguyễn Tuyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.