|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCBS: Lợi nhuận PVTrans năm 2021 dự báo tăng 37%

13:30 | 06/11/2020
Chia sẻ
Mở rộng qui mô đội tàu của PVTrans bên cạnh vận tải dầu thành phẩm được VCBS dự báo là động lực quan trọng cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong vài năm tới.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa có báo cáo dự báo triển trọng kinh doanh quí IV và năm 2021 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT).

VCBS dự phóng doanh thu năm 2020 của PVT đạt 7.012 tỉ đồng, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 537 tỉ đồng; giảm lần lượt 9,6% và 22,1 so với thực hiện năm 2019. Cho năm 2021, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 736 tỉ đồng, tăng 36,9% so với dự phóng năm 2020.

Sản lượng vận tải dầu thô sẽ hồi phục trong quí IV

Trong quí IV, VCBS cho rằng sản lượng vận tải dầu thô có thể chứng kiến xu hướng hồi phục tích cực nhờ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại tại Việt Nam được khôi phục, nhà máy Dung Quất kết thúc giai đoạn bảo dưỡng và hoạt động ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, tình trạng đầy bể chứa tại nhà máy lọc dầu được cải thiện; nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn tăng cường mua tích trữ dầu thô vào cuối năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất năm 2021 và tận dụng thời điểm giá dầu vẫn ở mức thấp.

Trong 1-2 năm tới, mảng vận tải dầu thô của PVT sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ổn định của nhà máy Dung Quất sau giai đoạn bảo dưỡng.

Nếu tình hình chiến sự tại Azerbaijan – thị trường nhập khẩu dầu thô quan trọng nhất của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), tiếp tục leo thang và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tại quốc gia này, BSR có thể phải tăng cường sử dụng các nguồn dầu nội địa và đem lại động lực nhất định cho PVT.

Tuy vậy về dài hạn BSR sẽ duy trì mức tỉ lệ sử dụng dầu nội địa ở khoảng 51%. Trong khi đó, nhu cầu dầu thô của nhà máy Nghi Sơn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho mảng vận tải dầu thô trong các năm tới khi nhà máy vận hành ở 100% công suất thiết kế và PVT dự kiến sẽ sớm kí kết hợp đồng vận chuyển dài hạn đáp ứng 25% nhu cầu dầu thô của Nghi Sơn từ Kuwait.

Dự kiến đầu tư thêm 1 tàu VLCC năm 2021

Giá cước thuê tàu VLCC cũng như giá bán tàu đã tăng đột biến trong giai đoạn nửa đầu năm. Với việc vẫn phải sử dụng tàu VLCC của SK Shipping để vận tải dầu thô đầu vào cho nhà máy Nghi Sơn, giá cước thuê tàu tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động mảng vận tải dầu thô của PVT và kế hoạch mua tàu VLCC của doanh nghiệp, VCBS nhận định.

Tuy vậy sau giai đoạn trên, giá cước thuê theo ngày và giá bán tàu VLCC đã dần quay trở về mức thấp. VCBS cho biết điều này dự kiến giúp biên lợi nhuận mảng vận tải dầu thô được cải thiện vào các tháng cuối năm và đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho PVT tiếp tục triển khai dự định mua mới 1 tàu VLCC chạy tuyến Kuwait – Nghi Sơn khi hợp đồng vận tải dài hạn với nhà máy được kí kết.

VCBS: Lợi nhuận PVTrans năm 2021 dự báo tăng 37% - Ảnh 1.

VCBS cho rằng hoạt động đầu tư 1 tàu VLCC mới sẽ được triển khai ngay trong năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cho nhà máy Nghi Sơn.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu gia tăng của hoạt động vận tải, quá trình đầu tư trên giúp cải thiện độ tuổi, hiệu quả hoạt động của đội tàu, giúp giảm thiểu chi phí nhờ lợi thế theo qui mô. Do vậy, biên lợi nhuận của doanh nghiệp dự kiến sẽ được cải thiện và là một động lực quan trọng cho kết quả kinh doanh trong các năm tới.

Vận tải dầu thành phẩm và LPG: Điểm sáng tăng trưởng

VCBS cho rằng trong vài năm tới, mảng vận tải dầu thành phẩm và LPG là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng của PVT nhờ các yếu tố chính là nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và nhà máy GPP Cà Mau khôi phục sản suất từ năm 2021 cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và LPG liên tục tăng trưởng trong các năm.

Với vị thế là đơn vị đảm nhận vận tải sản phẩm đầu ra cho BSR, PVT vẫn tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu vận tải sản phẩm đầu ra cho nhà máy Dung Quất ngay khi mảng vận tải dầu thô phải chia sẻ bớt thị phần khi nhà máy tăng cường sử dụng dầu nhập khẩu.

Trong khi hoạt động vận tải dầu thô đầu vào cho Nghi Sơn được thực hiện qua hình thức đấu thầu trên thị trường quốc tế và PVT dự kiến sẽ chỉ giành được quyền vận tải 25% nhu cầu dầu thô cho nhà máy này.

Công ty sở hữu lợi thế tuyệt đối trên thị trường vận tải hàng lỏng nội địa bằng đường biển nhờ qui mô đội tàu lớn, quan hệ hợp tác lâu năm với các khách hàng lớn và sự hỗ trợ từ PVN (công ty mẹ).

Hiện tại doanh nghiệp đang nắm 100% thị phần vận tải LPG, 30% thị phần vận tải dầu sản phẩm cả nước. Do vậy mảng vận tải sản phẩm đầu ra của PVT sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng sản lượng của nhà máy Nghi Sơn trong các năm tiếp theo.

VCBS cũng đưa ra rủi ro là việc kí kết hợp đồng chính thức cho hoạt động vận tải dầu thô dài hạn cho nhà máy Nghi Sơn có ý nghĩa quan trọng đến hoạt động vận tải dầu thô và kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy trong trường hợp quá trình đàm phán, thỏa thuận tiếp tục kéo dài hoặc phát sinh vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng kinh doanh của PVT trong các năm tới.

Hoàng Kiều