VCBS: Dư nợ nhóm KH tái cơ cấu BIDV khoảng 25.000 tỷ, dự báo lợi nhuận tăng 45% trong năm 2022
Dư nợ tái cơ cấu chiếm 1,8% tổng dư nợ
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết BIDV cơ bản đã hoàn thành đề án tái cơ cấu NHNN giao cho để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong năm 2021, chất lượng nợ xấu của ngân hàng được cải thiện đáng kể khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,76% cuối năm 2020 về 0,98%, mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó khối nợ xấu lớn nhất (nợ nhóm 5) giảm gần 58%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 219,3%.
Dư nợ của nhóm khách hàng tái cơ cấu ghi nhận khoảng 25.000 tỷ đồng, tương đương 1,8% dư nợ. BIDV đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ tái cơ cấu gia hạn trả nợ gốc với khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Ngân hàng kỳ vọng 95% khách hàng tái cơ cấu sẽ hồi phục và quay lại trả nợ trong năm 2022.
Hiện nay BIDV đã hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu tồn đọng. Với việc trích lập dự phòng gần 30.000 tỷ đồng cho nợ xấu bao gồm 100% dư nợ tái cơ cấu trong năm qua, chuyên gia kỳ vọng chi phí này sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo, tạo đà cho lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán cũng cho biết BIDV có cơ cấu danh mục cho vay hướng tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau bao gồm cả một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả và lượng nợ tái cơ cấu lớn.
Do đó, các chuyên gia cảnh báo rủi ro khi nợ xấu và nợ tái cơ cấu của BIDV có thể tăng trở lại và chi phí trích lập dự phòng tiếp tục ở mức cao tạo gánh nặng lên tăng trưởng lợi nhuận khi dịch kéo dài.
Lãi trước thuế ước đạt hơn 19.800 tỷ đồng năm 2022
Liên quan đến triển vọng năm 2022, nhóm chuyên gia kỳ vọng tốc độ tăng tín dụng của BIDV có thể được cải thiện trong 2022 đạt 12-14% khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và nhu cầu tín dụng tăng.
Phân phúc bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng trong các năm tới với tốc độ tăng trưởng 20-24%, hướng tới mục tiêu đạt 50% dư nợ trong vòng 5 năm.
Thêm vào đó, nếu phương án phát hành thêm hoàn thành trong năm nay, lực đẩy từ việc tăng vốn sẽ giúp BIDV nâng tỷ lệ an toàn vốn CAR (hiện vẫn ở mức thấp 8,96%).
Song, nếu điều kiện thị trường không thuận lợi, kế hoạch tăng vốn có thể tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.
Cuối năm 2021, BIDV đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77% để tăng vốn điều lệ thêm 10.365 tỷ lên gần 50.590 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng chia sẻ kế hoạch phát hành riêng lẻ cho các quỹ ngoại với tỷ lệ 6,75% đang trong giai đoạn đàm phán và có thể được thực hiện trong năm nay, kết hợp với việc phát hành ra công chúng nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của BIDV dự kiến đạt 19.829 tỷ đồng, tăng 45,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 0,98% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu tăng lên 289,4%. Tỷ lệ CIR giảm xuống 29%.
Ngoài ra, đầu năm 2022, BIDV đã thực hiện ưu đãi miễn phí chuyển khoản online và duy trì dịch vụ ngân hàng số cho tất cả khách hàng.
"Bước đi này là phù hợp với xu hướng của ngành và kỳ vọng sẽ giúp BIDV giữ được lượng tiền gửi không kỳ hạn trong bối cảnh cạnh tranh cao giữa các ngân hàng hiện nay," báo cáo viết.