|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vay vốn nước ngoài: Tiến tới bỏ cơ chế bảo lãnh

07:07 | 05/09/2016
Chia sẻ
Kết quả kiểm toán các DNNN của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã chỉ ra thực trạng tại nhiều DNNN tồn tại những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng ngàn tỷ đồng, tạo gánh nặng trả nợ lên ngân sách nhà nước (NSNN), do vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể vay vốn nước ngoài để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kiểm toán các DNNN của Kiểm toán Nhà nước mới đây đã chỉ ra thực trạng tại nhiều DNNN tồn tại những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng ngàn tỷ đồng, tạo gánh nặng trả nợ lên ngân sách nhà nước (NSNN), do vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

Khối nợ phình to

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tháng 7-2016, Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định vay nước ngoài với Ngân hàng Thế giới (WB) tổng trị giá 669 triệu USD. Lũy kế 7 tháng năm 2016 Việt Nam đã đàm phán, ký kết 26 hiệp định vay với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.431 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn như WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản. Đồng thời, trong tháng 7, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài từ NSNN là 4.042 tỷ đồng (tương đương 184,7 triệu USD). Lũy kế đến tháng 7, tổng giá trị chi trả nợ, trả nợ nước ngoài là 20.882 tỷ đồng (tương đương 954,3 triệu USD).

Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu BIDV, tính đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỷ đồng (tương đương 117 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,393 triệu tỷ đồng). Bản tin Nợ công số 4 được Bộ Tài chính công bố ngày 30-6-2016, cho biết đến cuối năm 2014 nợ của Chính phủ ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD). Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm. Điều đáng nói, hiện nay nợ công Việt Nam vẫn chưa tính theo chuẩn quốc tế, vẫn để ngoại bảng các món nợ của DNNN, trong khi nợ của khối DN này đang ngày càng phình lên.

Theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, việc huy động vốn của DNNN thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Cụ thể, DNNN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay. Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận khoản vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh. Song, khoản vay nước ngoài của DN phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải được đăng ký và xác nhận của NHNN theo quy định hiện hành. DNNN sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do DN trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, báo cáo mới gửi lên Chính phủ của Bộ Tài chính mới đây cho biết tính đến 31-12-2015, tổng số cam kết bảo lãnh chính phủ gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84% (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2015 đã có sự bùng nổ về bảo lãnh các khoản vay. Giai đoạn này, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Hầu hết là vay nước ngoài với 14 tỷ USD. Tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh giai đoạn này gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010, bình quân tăng khoảng 50%/năm.

Những con nợ khủng

TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm hơn 1/3 tổng số nợ Chính phủ phải bảo lãnh, tính đến hết năm 2015. Theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, công ty mẹ - EVN hiện có nợ vay 9,7 tỷ USD, chiếm 61,2% số vay nợ được bảo lãnh của lĩnh vực điện. Ngoài ra, TCT Truyền tải điện Việt Nam (NPT) cũng được bảo lãnh nợ 445 triệu USD. Cơ cấu vay nợ chủ yếu là nước ngoài. Riêng trong năm 2015, EVN được cấp bảo lãnh hơn 2 tỷ USD cho 2 dự án TĐ làm chủ đầu tư trực tiếp.

Thực tế, nợ nước ngoài của TĐ đã vượt 162.000 tỷ đồng. Chỉ tính tiêng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vốn đầu tư đã hơn 1,6 tỷ USD (36.000 tỷ đồng), trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng Kexim, Ksure (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản). Các đơn vị thành viên khác của EVN cũng có những khoản vay ngoại tệ lớn từ Citibank hay BNP Paribas... Vay nợ lớn từ nước ngoài, mỗi biến động tỷ giá đều khiến EVN và các công ty trực thuộc khó khăn về cân đối tài chính. Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh giữa tháng 2-2016, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết năm 2014 công ty đã lãi 823 tỷ đồng, nhưng nếu hạch toán cả chênh lệch tỷ giá công ty sẽ lỗ. Trong khi đó, báo cáo của kiểm toán độc lập ghi nhận lỗ tỷ giá của TCT Truyền tải điện Quốc gia 1.682,21 tỷ đồng; TCT Phát điện 1: 641,75 tỷ đồng, TCT Phát điện 3: 810,94 tỷ đồng, Công ty Nhiệt điện Hải Phòng 392,12 tỷ đồng và CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh 1.260,46 tỷ đồng…

TĐ Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỷ USD, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 647 triệu USD, các công ty khác 2,7 tỷ USD. Bộ Tài chính cũng cho biết bảo lãnh dư nợ trái phiếu chính phủ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB 127.652 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội 33.866 tỷ đồng. Riêng năm 2015, VDB đã phát hành 32.994 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách phát hành 14.949 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn khoảng 60.906 tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu phát hành những năm tới của 2 ngân hàng trên sẽ phải dùng để trả nợ gốc, lãi đến hạn. Cụ thể, năm 2016, VDB được phát hành 23.000 tỷ đồng trái phiếu nhưng dùng tới 22.840 tỷ đồng để trả nợ, còn Ngân hàng Chính sách phát hành 13.000 tỷ đồng, trả nợ 7.730 tỷ đồng.

Đối với ngành hàng không, Bộ Tài chính cho biết năm 2015, chương trình phát triển đội máy bay, cụ thể máy bay tầm trung A321 và đường dài Boeing 787-9 của Vietnam Airlines tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, hãng hàng không đã cổ phần hóa nên cần điều chỉnh chính sách vay vốn giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước. Một ngành được Bộ Tài chính đánh giá là lĩnh vực có nhiều dự án gặp khó khăn nhất là xi măng đang phải tái cơ cấu dự án, tái cơ cấu khoản nợ vay. Điển hình là tại 3 dự án Xi măng Sông Thao (CTCP Xi măng Sông Thao là chủ đầu tư, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD là cổ đông chi phối), Xi măng Thái Nguyên (chủ đầu tư TCTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam Vinaincon) và Xi măng Hạ Long (TCT Sông Đà làm chủ đầu tư sau đó chuyển giao sang TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Vicem).

tin nhap 20160905070221
Vietnam Airlines đã cổ phần hóa nên cần điều chỉnh chính sách vay vốn giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Giám sát chặt vay nợ nước ngoài

Bộ Tài chính dự kiến mức trả nợ vay năm nay tăng lên 273.000 tỷ đồng (12 tỷ USD). Trước bối cảnh đó, ngày 25-8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 7089 yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu DN vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các DN phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay. Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang trình Quốc hội phương án trong vòng 5 năm tới (2016-2020) giảm mức rút vốn ròng hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD và trong nước là 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm kiểm soát nợ công, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP theo kịch bản đã trình Quốc hội (với giả định GDP dự kiến tăng 6,5-7%/năm và lạm phát khoảng 5%/năm).

Nền kinh tế phải vay mượn nước ngoài là chuyện bình thường trong phát triển. Nhưng việc tăng nợ thời gian qua đã không tương xứng với tăng phát triển, không tạo được sức đẩy năng suất. Kỳ vọng những động thái cương quyết trên của Chính phủ trong việc giám sát chặt chẽ tình hình nợ nước ngoài của DNNN, sẽ giúp việc sử dụng vốn vay nước ngoài hợp lý, mang lại hiệu quả lớn hơn cho phát triển kinh tế đất nước.

Nợ xấu ngân hàng nhìn từ con nợ

Với áp lực nợ hiện tại, khả năng nợ vay CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ được tái cơ cấu. Điều này không chỉ cứu một DN có số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng mà còn cứu các NH đang cho HAG vay. Con số trên báo cáo thể hiện nợ xấu không tăng nhờ kỹ thuật. Dù vậy, qua câu chuyện này thực chất nợ xấu vẫn là con số bí ẩn và rủi ro của hệ thống NH không hề nhỏ.

Chủ nợ ngồi trên lửa

Sau nhiều lần khất với cổ đông, HAG đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2016 với số lỗ sau thuế 908 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 838 tỷ đồng. Là tập đoàn đa ngành gặp nhiều khó khăn trong hơn 1 năm qua, trong đó giá thành cao su liên tục sụt giảm, cùng với việc cõng trên mình khối nợ khổng lồ, việc HAG báo lỗ không khiến nhà đầu tư quá sốc. Chỉ tính riêng trong quý II-2016 tổng chi phí lãi vay 500 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày HAG phải trả hơn 5,6 tỷ đồng tiền lãi NH. Chủ nợ của HAG chủ yếu là các NHTM cũng nhận sự theo dõi sát sao, chẳng hạn BIDV - chủ nợ lớn nhất liên tục bị các công ty chứng khoán đánh giá kém khả quan, trong đó có nguyên nhân đến từ khoản dư nợ tại TĐ này.

Tính đến cuối tháng 6-2016, tổng nợ vay của HAG là 26.684 tỷ đồng. Riêng về khoản vay ngắn hạn 10.212 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, có vay ngắn hạn NH là 2.911 tỷ đồng. Bao gồm BIDV 1.918 tỷ đồng; NH Liên doanh Lào Việt 747 tỷ đồng; HDbank chi nhánh Đồng Nai 223,5 tỷ đồng; Sacombank 22,6 tỷ đồng. Vay dài hạn của HAG giảm hơn 2.300 tỷ đồng xuống còn 16.472 tỷ đồng. Có 6 NH cho HAG vay dài hạn tổng cộng 9.236 tỷ đồng. Trong đó, Eximbank 3.128 tỷ đồng; BIDV 2.838 tỷ đồng, NH Liên doanh Lào Việt - Chi nhánh Attapeu 1.434 tỷ đồng; HDbank 933,5 tỷ đồng; Sacombank 902,8 tỷ đồng.

Từ trước đến nay, HAG vốn được biết nhiều đến các thương vụ huy động vốn bằng trái phiếu và đây cũng là hình thức cấp tín dụng nhanh của các chủ nợ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2016, khoản mục trái phiếu trong nước của HAG do các công ty chứng khoán trực thuộc các NH thu xếp phát hành với tổng cộng 11.561 tỷ đồng. Riêng BIDV và Công ty chứng khoán BSC có các kỳ phát hành đáo hạn khác nhau, với giá trị trái phiếu tổng cộng hơn 4.950 tỷ đồng. Các đơn vị khác là Công ty chứng khoán ACB 1.760 tỷ đồng, Công ty chứng khoán VPBS 1.000 tỷ đồng, Công ty chứng khoán Phú Gia 560 tỷ đồng. Bên cạnh đó là khoản trái phiếu do Công ty chứng khoán FPT và VPbank thu xếp 600 tỷ đồng. Riêng Công ty chứng khoán Euro Capital thu xếp 1.700 tỷ đồng. Đến nay, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG với số tiền hơn 10.700 tỷ đồng bao gồm tín dụng cho vay thông thường (ngắn, dài hạn) và thu xếp phát hành trái phiếu, bằng 25% vốn chủ sở hữu hợp nhất của BIDV. Tiếp đến là Eximbank, VPbank, HDbank, Liên doanh Lào Việt với giá trị hàng ngàn tỷ đồng mỗi đơn vị.

Thực tế, trường hợp các NH trở thành chủ nợ của các DN, nhất là những DN đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh không chỉ có HAG. Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành với khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng trong quý II cũng đang nợ NH tổng cộng 1.024 tỷ đồng tại các NH DongAbank, SHB, VietAbank, VietinBank, KienLongbank, BIDV, Agribank.

Đây chỉ là những trường hợp đơn cử, thực tế danh sách DN nợ NH hàng ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán không phải là ít. Chưa kể những TĐ nhà nước khác cũng đang có hàng ngàn tỷ đồng nợ vay. Chuyện vay nợ kinh doanh sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như chủ nợ là các NH không phải chịu cảnh đang ngồi trên lửa khi DN gặp khó khăn.

Chờ con nợ tái cấu trúc?

Với áp lực trả nợ lớn như hiện nay, HAG chỉ còn cách tái cấu trúc lại để phục hồi sản xuất kinh doanh, quan trọng nhất là không để hàng chục ngàn tỷ đồng nợ vay chuyển thành nợ xấu. Cho đến nay các khoảng nợ của HAG tại các NH vẫn bỏ lửng. Sau nhiều lần im lặng, HAG xác nhận sẽ tổ chức đại hội thường niên vào tháng 9 tới đây. Điều này tuy không đúng quy định đối với DN niêm yết, song trường hợp của HAG có giải trình đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ. Điều đó cũng có nghĩa nếu không tái cấu trúc nợ, hàng chục ngàn tỷ đồng nợ vay của HAG có thể chuyển thành nợ xấu và việc giải cứu HAG cũng là giải cứu các NH.

Một số phỏng đoán gần đây cho rằng HAG sẽ nhận được thời gian ân hạn 3 năm đối với hầu hết khoản vay tại các NH. Nếu như vậy HAG sẽ chưa phải trả gốc và lãi trong 3 năm tới, có thể giúp DN “tiết kiệm” được 1.700-1.800 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm. Như vậy, HAG sẽ bớt được áp lực tài chính rất nhiều để tập trung vào sản xuất. Trường hợp của HAG khiến nhiều người nhớ lại việc giải cứu những DN sắp rơi vào nguy cơ phá sản trước đây như Thủy sản Bình An hay Vinashin, Vinalines. Trong khi đó một trong những phương án truyền thống là đổi nợ lấy cổ phần của VietinBank và VPbank đã thực hiện tại CTCP Cảng Sài Gòn, một công ty con của Vinalines.

Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu của các NH có xu hướng tăng cao, vượt 5% tổng dư nợ. Tính riêng 9 NH niêm yết tổng số nợ xấu đã lên 43.000 tỷ đồng so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015. Theo cách phân loại nợ của Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ nhóm 2 bao gồm nợ quá hạn từ 10-90 ngày; nợ nhóm 3 bao gồm nợ quá hạn từ 91-180 ngày; nhóm 4 bao gồm nợ quá hạn từ 181-360 ngày và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày. Nợ nhóm 3 đến nhóm 5 gọi chung là nợ xấu. Trường hợp của HAG nợ NH và trái phiếu đến hạn phải trả hơn 5.470 tỷ đồng. Nếu đến thời hạn và phân loại nợ theo Thông tư 02, số nợ này rơi vào nợ xấu.

Vậy điều gì sẽ diễn ra nếu HAG không được tái cơ cấu nợ? Nhìn vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính, cho thấy TĐ này khó tự cân đối được tài chính trong thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc nếu làm đúng theo quy định hiện nay, một số khoản nợ của HAG có thể chuyển lên thành nợ xấu, thậm chí lên nhóm 5, tức toàn bộ nợ của HAG sẽ là nợ xấu. HAG sẽ không được vay vốn và hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ biến thành nợ xấu, cũng có nghĩa các NH sẽ phải gánh thêm số nợ xấu này. Như vậy, tái cấu trúc nợ HAG là điều bắt buộc để không chỉ cứu HAG mà còn để cứu cả các NH. Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, còn về độ rủi ro của hệ thống tài chính thì không thay đổi về bản chất.

Gia Song

Sài Gòn Đầu tư Tài chính