Vay vốn bằng tài sản lưu động: Cái khó bó cái khôn
Lối mở
Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi từ Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã có chương trình ưu đãi nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn cho khách hàng DN. Tuy nhiên, với hiện trạng hơn 90% DN của Việt Nam là DN nhỏ và vừa, nhiều tài sản liên quan đến bất động sản các DN phải đi thuê, việc vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, nên việc tiếp cận vốn vay của DN còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là “bất khả thi”.
Do vậy, việc nới lỏng điều kiện cho vay, dùng loại hình tài sản khác làm tài sản đảm bảo được xem như “cứu cánh” của nhiều DN nhỏ và vừa. Cùng với hoạt động giao thương của DN đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc thế chấp bằng tài sản lưu động đã được các ngân hàng thương mại áp dụng giúp những DN uy tín, hoạt động lâu năm tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.
Những DN vay được vốn với thế chấp bằng tài sản lưu động còn rất hạn chế. Nguồn: Hải Quan |
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xây lắp Dầu khí cho hay, nguồn vốn vay đang chiếm 50-70% tổng nguồn vốn, trong đó vốn lưu động chiếm 50% trở lên nên nhu cầu vay vốn của DN luôn cấp thiết. DN từng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, từng phải huy động vốn từ người thân, bạn bè, thậm chí đi vay của các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao. Nhưng sau một thời gian dài hoạt động, chứng minh được báo cáo tài chính minh bạch và có được lòng tin với ngân hàng, DN đã được vay vốn với tài sản đảm bảo lưu động bằng nợ phải thu, hàng tồn kho, hợp đồng mua bán… và DN cũng được sử dụng các hình thức về vốn khác như bảo lãnh thanh toán…
Với nhiều DN, thị trường giao dịch đảm bảo trong vay vốn ngân hàng nếu được khai thông sẽ giúp DN có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Song các DN cho rằng, vấn đề này đang cần đến nhiều sự hỗ trợ về thể chế, hành lang pháp lý từ phía hệ thống ngân hàng cũng như sự vào cuộc, kêu gọi từ các hiệp hội DN.
Cửa hẹp
Mặc dù yêu cầu về tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn đã được nhiều ngân hàng thương mại chú trọng, nhưng với tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng, DN trong nước vẫn còn yếu kém, nhiều ngân hàng vẫn chưa thật sự “mở lối” cho DN vay vốn bằng loại hình tài sản khác.
Chia sẻ về khó khăn của DN, ông Hồ Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH XK Trái cây nhiệt đới cho biết, ngân hàng luôn yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, nếu không DN sẽ rất khó để vay được vốn. Trong khi các hóa đơn, hợp đồng của DN với khách hàng có thể lên đến vài tỷ đồng, DN mang hồ sơ ra và đề nghị ngân hàng chỉ cần ứng trước 50-70% số tiền này để DN tiếp tục sản xuất nhưng ngân hàng vẫn “lắc đầu”.
Nguyên nhân của vấn đề trên, theo các chuyên gia, phần nhiều đến từ phía DN khi các DN vẫn còn thiếu kiến thức về tài chính, đi vay được bao nhiêu tốt bấy nhiêu mà không tính đến thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam vẫn chưa có một nền tài chính kế toán minh bạch, số liệu trên giấy tờ còn có sai khác so với thực tế hoặc DN hoạt động với hai sổ kế toán, một sổ thực tế để DN theo dõi, một sổ được “làm đẹp” để báo cáo, vay vốn ngân hàng. Chính vì thế, độ tin tưởng của ngân hàng với DN Việt Nam đã bị hao hụt đáng kể.
Nói thêm về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, các DN đa phần vướng ở phương pháp đi vay, không đáp ứng được tiêu chuẩn của ngân hàng, còn về lãi suất cho vay, họ có thể chịu đựng được. Với tài sản thế chấp, nhiều DN không đảm bảo độ tin cậy, nếu thế chấp bằng sản phẩm hàng hóa thì DN có thể rút ruột ngay, ngay cả hóa đơn mua bán cũng còn nhiều vấn đề chưa minh bạch…
Do đó, những DN vay được vốn với thế chấp bằng tài sản lưu động còn rất hạn chế. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, DN này đã phải mất đến 10 năm để chứng minh về tài chính, hoạt động kinh doanh đảm bảo để được ngân hàng tạo điều kiện cho vay. Vì thế, DN phải có bề dày hợp tác và tự bản thân DN phải minh bạch trong hoạt động, báo cáo tài chính hợp lý, dòng tiền ổn định thì sẽ tạo được lòng tin với ngân hàng.
Nhìn chung, khó khăn trong vay vốn chủ yếu đến từ nội tại DN. Muốn việc vay vốn được mở rộng hơn, các DN phải có những thay đổi cần thiết, bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng phải có điều kiện mở hơn, có năng lực đánh giá được tiềm năng của DN để sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, con số 10 năm để tạo niềm tin với ngân hàng như DN nói trên thì với số lượng DN mới thành lập đông đảo như hiện nay, việc vay vốn bằng tài sản lưu động vẫn chưa thể thông suốt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/