|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vay người thân với lãi suất cao hơn ngân hàng có phải tín dụng đen không?

21:37 | 18/10/2020
Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Công an, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật qui định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Vay người thân với lãi suất cao hơn ngân hàng có phải tín dụng đen không? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen. (Nguồn: SBV).

Ngày 17/10, Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen đã diễn ra tại tỉnh Hòa Bình.

Trước câu hỏi vay của người thân với lãi suất cao hơn ngân hàng có phải tín dụng đen không, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự trả lời rằng việc vay nợ là một hoạt động lâu đời trong dân gian nhằm mục đích hỗ trợ nhau trong cuộc sống, kinh doanh khi gặp khó khăn về tài chính. 

Tuy nhiên, ông Vương cho rằng có một số người lại triệt để lấy lãi với lãi suất rất cao để kiếm lời lớn, khiến quan hệ cho vay không còn mang tính chất giúp đỡ, tương trợ nhau mà theo kiểu trục lợi trên khó khăn của người khác. 

Ông lên án đây là một hành vi thiếu đạo đức, do vậy, Bộ luật Dân sự đã giới hạn mức lãi suất cho vay dân sự chỉ ở 20%/năm.

"Nếu vay của người thân hỗ trợ nhau với mức lãi không quá 20% và không có thủ đoạn đòi nợ vi phạm pháp luật, xâm phạm tính mạng sức khỏe thì không gọi là tín dụng đen. Nếu bao gồm cả hai đặc biệt là hành vi đòi nợ trái pháp luật thì là tín dụng đen", ông Vương cho biết.

Ông Vương cũng chỉ ra rằng tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật qui định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Về mức phạt cho những trường hợp cho vay lãi suất cao hiện nay, Nghị định 167/2013, qui định rõ Phạt tiền từ 5 đến 15 triệu đồng đối với hành vi vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

Còn theo Bộ luật hình sự, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất qui định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 đến 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì có thể bị phạt từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Lê Huy