Vật liệu xây dựng lo làn sóng DN Trung Quốc vào Việt Nam trong bối cảnh thương chiến
Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng như số liệu của Bộ Xây dựng, ước tính tiêu thụ xi măng 8 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 63,91 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt gần 21 triệu tấn.
Nhiều DN từ "cái rốn" của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Trung Quốc đến Vietbuild TP HCM 2019
Trao đổi với người viết tại buổi giới thiệu Triển lãm Vietbuild TP HCM năm 2019, ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: "Theo số liệu mới nhất thì tình hình tiêu thụ nội địa của xi măng Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng trưởng so với cùng kì năm 2018, đặc biệt, xuất khẩu vẫn rất cao.
Lượng xi măng xuất khẩu của các nước chưa năm nào vượt quá 200 triệu tấn nhưng Việt Nam trong năm 2018 đã trên 32 triệu tấn, tương đương gần 1/7 của cả thế giới.
Năm nay chúng tôi dự tính khoảng 25 triệu tấn nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định sẽ lại tiếp tục trên 30 triệu tấn, có nghĩa là tình hình xuất khẩu đang rất tốt".
Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.
Bên cạnh lợi thế là sản phẩm thiết yếu phải có cho mọi công trình xây dựng khiến xi măng có sự tăng trưởng hơn các sản phẩm khác, theo ông Cung, một nguyên nhân khác còn do công nghệ của ngành xi măng đang phát triển tốt, sức cạnh tranh của doanh nghiệp đã được cải thiện.
Ông Cũng đánh giá ngành có mức tăng tốt trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng trong nước liên tục đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia trong và ngoài khu vực thời gian gần đây. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện sản phẩm xi măng Việt Nam đã xuất khẩu trên 40 thị trường.
Chia sẻ về sự chững lại của thị trường bất động sản có ảnh hưởng đến ngành vật liệu xây dựng hay không, ông Cung cho rằng: "Ngành bất động sản có thể không đạt đến đỉnh cao kì vọng nhưng cũng không đến nổi thoái trào như những năm trước đây".
Tuy nhiên, ông Cung đặt nghi vấn trước sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng hiện nay: "Mình sợ Trung Quốc thông qua triển lãm Vietbuild năm nay sẽ tìm kiếm đối tác và gắn sản phẩm của họ vào thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu.
Vì họ đang thiếu thị trường, họ đang trông chờ vào việc xuyên qua nước này nước kia để chuyển đổi thương hiệu của sản phẩm và xuất sang thị trường bị cấm vận", Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt nam chia sẻ.
Dẫn chứng cụ thể, ông Cung cho biết tại Triển lãm Vietbuild năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Phật Sơn (Trung Quốc), nơi được xem là "cái rốn" của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Trung Quốc đến giới thiệu sản phẩm.
"Họ sẽ trưng bày một loại gạch sứ tráng men đánh bóng, tôi chưa hình dung họ làm như thế nào khi tráng men mà còn thêm đánh bóng", ông nói.
DN Việt cần cảnh giác điều gì?
Ông Cung nhấn mạnh, không phải chỉ mỗi ngành vật liệu xây dựng mà tất cả ngành khác đều bị tác động từ cuộc chiến Mỹ - Trung vì Trung Quốc đang "bí" về thị trường, nên họ sẽ phải tìm thị trường khác. Lúc này họ không cần củng cố danh tiếng mà quan trọng là củng cố túi tiền của doanh nghiệp.
"Do đó, chúng ta phải cảnh giác vì thứ nhất mình sẽ thiệt; thứ hai doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá sai về mình, dẫn đến ảnh hưởng đến quan hệ thương mại nếu xảy ra tình trạng hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất khẩu", ông Nguyễn Văn Cung nhận định.
Chia sẻ về giải pháp giúp doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, ông Nguyễn Đình Hùng, đại diện Ban tổ chức Triển lãm Vietbuild TP HCM năm 2019 cho rằng: "Các doanh nghiệp cần làm ăn bài bản, đầu tư bài bản cả về tài chính, công nghệ. Đồng thời cần tìm các đối tác lớn để học hỏi chiến lược, công nghệ, cách phát triển của nhau.
Bởi tự đôi chân của doanh nghiệp và sự hợp tác của doanh nghiệp thì chúng ta mới phát triển lâu dài, bền vững. Còn mọi sự phát triển không phải như vậy thì đó chỉ là phong trào, giai đoạn nên sẽ rất khó khăn".
Toàn cảnh buổi giới thiệu Triển lãm quốc tế Vietbuild TP HCM năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Xây dựng, cho rằng: "Tham gia triển lãm Vietbuild cũng là cách để các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, mở rộng liên kết và tìm hiểu những hạn chế trong quá trình phát triển kinh doanh nhằm hoạch định chiến lược phát triển tốt hơn.
Đồng thời nắm bắt cơ hội để các nhà quản lí đo lường, tìm hiểu và phân khúc kĩ hơn về thị trường bất động sản trong giai đoạn mới…"
Triển lãm quốc tế Vietbuild TP HCM năm 2019 diễn ra từ ngày 25 đến 29/9 với qui mô hơn 2.500 gian hàng, trưng bày các dự án về bất động sản, tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng, giải pháp kết nối tổng thể, hệ thống giám sát an ninh Smart home, công nghệ chiếu sáng, thiết bị điện.
Cùng các sản phẩm về vật liệu xây dựng như nhựa dân dụng, nhựa công nghiệp, tôn mạ, các loại gạch, sắt, thép, xi măng… Trang trí nội, ngoại thất có đá trang trí, đá cẩm thạch, đá granit, giấy dán tường, thảm vải hoa, rèm cửa, nội thất đồ gỗ, đèn trang trí cao cấp.
"Các doanh nghiệp cần bám sát nhu cầu thị trường ba miền để có những sản phẩm phù hợp.
Cụ thể, tại thị trường TP HCM, các doanh nghiệp nên khai thác về các sản phẩm chống ngập, trong đó có giải pháp xử lí nước mưa, giảm lượng nước mưa xuống lòng lề đường.
Hà Nội với khí hậu hay có gió nồm nên các sản phẩm triển cần tương thích theo khí hậu nóng lạnh có tính chất vùng miền, trong khi Đồng bằng Sông Cửu Long lại có những sản phẩm phù hợp với vùng nước lũ, giàu phù sa", ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ.