|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Xuất khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý I

21:27 | 07/03/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS16, cụ thể là loin cá ngừ hấp đông lạnh vẫn tăng trưởng dương 25% so với tháng 1/2022. VASEP dự báo xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý I/2023.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) lạm phát, suy thoái kinh tế đang khiến cho xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam trong tháng 1/2023 sụt giảm mạnh.

Duy chỉ có xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS16, cụ thể là loin cá ngừ hấp đông lạnh vẫn tăng trưởng dương 25% so với tháng 1/2022 và trở thành nhóm sản phẩm cá ngừ xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Như vậy, xuất khẩu nhóm hàng này đã tăng liên tục từ tháng 8/2022 cho tới nay.

Top 10 thị trường xuất khẩu cá ngừ chế biến khác mã HS16 của Việt Nam trong tháng đầu năm nay chiếm tới 93% tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này.

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ CHẾ BIẾN KHÁC CỦA VIỆT NAM (MÃ HS16) (Đơn vị: USD)

Thị trường

T1/2022

T1/2023

Tăng giảm (%)

Mỹ

6.133.016

3.731.517

-39

Israel

98.400

2.345.059

2.283

Peru

993.640

1.522.653

53

Canada

837.784

1.290.866

54

Thái Lan

682.758

1.028.698

51

Hàn Quốc

132.000

816.380

518

Nhật Bản

886.838

814.476

-8

Italy

 

696.357

 

Mexico

590.604

676.143

14

Chile

 

507.630

 

Các thị trường khác

1.205.998

1.043.758

-13

Tổng

11.561.038

14.473.536

25

VASEP cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Ai Cập và Australia trong tháng 1/2023 giảm so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang Israel lại tăng phi mã 2.283% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng trưởng này, Israel từ vị trí thứ 10 trong top các thị trường nhập khẩu cá ngừ chế biến khác của Việt Nam tháng 1/2022 đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 trong tháng 1/2023.

Cùng với Israel, xuất khẩu cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang các thị trường chính khác như Peru, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Italy, Mexico hay Chile đều tăng so với cùng kỳ.

VASEP nhận định cho đến thời điểm hiện tại, giá cá ngừ nguyên con trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hạn ngạch ưu đãi thuế quan dần được sử dụng hết. Điều này có nghĩa xuất khẩu nhóm các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS16, đặc biệt là các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong quý I/2023.

Trước năm 2022, giá cước vận chuyển, giá dầu thực vật, giá thép tăng cao… đã đẩy giá cá ngừ đóng hộp thành phẩm lên cao. Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại các thị trường giảm và các nước có xu hướng tăng nhập khẩu loin cá ngừ đông lạnh để sản xuất trong nước nhằm giảm giá thành.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2022 đến nay, sản lượng khai thác giảm khiến giá cá ngừ tươi/đông lạnh nguyên con ở mức cao. Trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập cá ngừ nguyên con.

Mặt khác, hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với nhóm sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh theo các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đang thúc đẩy gia tăng đơn hàng.

Hoàng Anh