|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP không nhất trí với đề xuất tính phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản

17:01 | 20/09/2018
Chia sẻ
VASEP mới đây gửi Công văn góp ý về mức phí S/C, C/C cho dự thảo Thông tư sửa đổi TT 230/2016/TT-BTC. VASEP cũng gửi văn bản tới Bộ Tài chính kiến nghị sớm xem xét ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung để giúp các doanh nghị thủy sản không phải nộp các mức phí cao.
vasep khong nhat tri voi de xuat tinh phi tham dinh xac nhan nguon goc nguyen lieu thuy san VASEP: Rủi ro Trung Quốc 'mượn' danh tôm Việt xuất sang Mỹ trước chiến tranh thương mại

Ngày 10/5, Bộ Tài chính đã gửi Công văn tới Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (VASEP) lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 230/2016/TT-BTC ngày 22/11/2016 (Dự thảo), trong đó Dự thảo có nêu đề xuất mới của Bộ NN&PTNT, đã thay đổi cách tiếp cận mức phí thẩm định xác nhận hải sản khai thác từ cố định 700.000 đồng/lần sang dạng công thức biến đổi “150.000 đồng + (số tấn x 20.000 đồng/tấn) tối đa không quá 700.000 đồng/lần”; và phí thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu là “50.000 đồng/lần”.

Về mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (S/C)

VASEP cho hay Hiệp hội đã gửi góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi về mức phí S/C, C/C. VASEP và các DN ủng hộ nguyên tắc thiết lập phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (S/C) theo công thức biến đổi và phải có khống chế mức trần để không tạo ra mức phí quá cao cho mỗi lần xin xác nhận, làm gia tăng chi phí cho DN đồng thời đảm bảo hài hòa với thực tiễn công việc theo yêu cầu mà Cảng cá thực hiện và phù hợp với cả các DN thu mua các loài thủy sản có khối lượng lớn hơn (cá ngừ) lẫn các DN thu mua các loài thủy sản có khối lượng nhỏ lẻ (tôm biển, mực, cua, ghẹ, cá biển...) cho mỗi lần xin cấp S/C.

vasep khong nhat tri voi de xuat tinh phi tham dinh xac nhan nguon goc nguyen lieu thuy san
VASEP không nhất trí với đề xuất tính phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản

Tuy nhiên, ngày 10/8, tại cuộc họp do Bộ Tài chính tổ chức, đại diện Tổng cục Thủy sản lại thay đổi cách tính so với Dự thảo đã lấy ý kiến trước đó và đưa ra đề xuất mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (S/C) là: “số tàu x 10.000 đ/tàu) + (số tấn x 30.000 đồng/tấn), không có mức trần tối đa” và mức phí thẩm định chứng nhận SPTS xuất khẩu (C/C) cũng tính theo số tàu cung cấp nguyên liệu là " số tàu x 20.000 đồng/tàu”.

Tại cuộc họp này, Bộ NN&PTNT đã đề nghị và được đại diện Bộ Tài chính đồng thuận lấy thêm ý kiến của VASEP và cộng đồng doanh nghiệp về đề xuất mới này của Bộ NN&PTNT.

VASEP và các doanh nghiệp không nhất trí với đề xuất tính phí S/C dựa trên một biến số nữa là số tàu cung cấp nguyên liệu (gồm tàu khai thác hoặc tàu vận chuyển) vì không phù hợp với điều kiện tại Việt Nam là phải thu gom từ nhiều tàu. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, các giấy S/C đã cấp thời gian qua cho sản lượng < 10 tấn/giấy là chiếm đa số; một số tiếp theo cho sản lượng từ 11 – 30 tấn/giấy, riêng sản lượng > 31 tấn/giấy là không nhiều, thường từ 10 – 40 tàu cá/giấy.

Với cách tính phí thẩm định cấp S/C dựa trên số tàu thì mức phí phải nộp có khả năng tăng cao và cũng gây khó khăn hơn trong quá trình tính toán mức phí mỗi lần xác nhận cho cả 2 bên. Con số cố định “150.000 đồng” trong công thức theo đề xuất trước đây của Bộ NN&PTNT và Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ là mức phù hợp và tạo mức sàn cho công việc thực thi.

VASEP và các DN sau khi xem xét trên cơ sở hài hòa, một lần nữa đề nghị công thức tính phí thẩm định S/C là: “150.000 đồng + (số tấn hải sản x 15.000 đồng/tấn) tối đa không quá 700.000 đồng/lần”.

Lý do mà VASEP đưa ra công thức này là bởi phí thẩm định cấp S/C phải quán triệt và làm rõ được nguyên tắc “thu đủ bù chi” của Luật Phí 2015. Thực tế tại các Tổ chức Cảng cá được TT 02/2018/BNN giao nhiệm vụ cũng đang thực hiện các công việc quản lý Cảng cá & Thu phí các loại theo Nghị định 80/2012 và Luật phí 2015; công việc xác nhận này không tạo nên việc gia tăng nhân lực đáng kể tại các Cảng cá hiện nay.

Trong khi bên đề xuất là Bộ NN&PTNT chưa tính toán cũng như tổng kết việc thu theo TT230 thời gian qua để có một con số thật cụ thể và thuyết phục thì khung mức phí trên là một phần bổ sung phù hợp cho phần “chi” của các Cảng cá ngoài danh mục thu theo Nghị định 80/2012.

Mức trần 700.000 đồng để đảm bảo mức phí S/C cho mỗi lần xác nhận không quá cao.

Về con số “15.000 đồng/tấn” trong công thức: Theo Quyết định của hầu hết UBND các Tỉnh có cảng cá hiện nay quy định về mức thu phí dịch vụ cảng cá, mức phí dịch vụ hàng hóa qua cảng cá áp dụng cho thủy sản đều đang đa số ở mức 15.000 đồng – 20.000 đồng/tấn. Xét trong bối cảnh giảm phí cho DN, quan điểm chia sẻ chi phí với Chi cục/BQL Cảng cá của Hiệp hội và ý kiến góp ý của các DN, VASEP nguyên quan điểm đề nghị mức phí phù hợp & có cơ sở là “15.000 đồng/lần” thay vì mức “30.000 đồng/lần” như trong đề xuất của Bộ NNPTNT (hiện không có tỉnh nào có mức quy định tới 30.000 đồng/lần như đề xuất của Bộ NNPTNT).

Về mức phí thẩm định Chứng nhận (C/C)

Tương tự như lý do nêu trên, theo Hiệp hội, mức phí C/C cũng không nên tính theo số tàu để tránh gây phức tạp trong quá trình tính phí mà nên là mức cố định. Hiệp hội đề xuất Bộ Tài chính xem xét công việc này trong tương quan cấp C/O hiện nay do Bộ Công Thương và VCCI đang thực hiện.

Theo đó, mức phí này có thể xem xét là 100.000 đồng/lần cấp mới và “Không thu phí cho cấp lại giấy Chứng nhận”. Lý do: hiện tại, mức phí của các hoạt động cấp giấy chứng nhận tương tự đang ở mức này là phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu trong trường hợp chỉ kiểm tra hồ sơ là 100.000 đồng/lô hàng/lần.

Phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu (C/O) của VCCI hiện là 100.000 đồng/lần, riêng phí cấp Giấy C/O của Bộ Công Thương được miễn phí theo công văn hướng dẫn số 1131/VPCP-KTTH. Phí này trước ngày 1/3/2009 cũng chỉ là 50.000 đồng/lần.

Việc cấp lại Giấy chứng nhận thủy sản khai thác đề nghị không thu phí là do khi doanh nghiệp cần cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu (do bị thất lạc, sai thông tin với các thông tin của hãng tàu vận chuyển, khách hàng đề nghị đổi cảng đến hoặc lùi ngày xuất khẩu..v..v.v), các Chi cục thủy sản chỉ cần đối chiếu lại hồ sơ lưu là có thể cấp ngay giấy chứng nhận.

VASEP cũng đề nghị đổi tên "Phí thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu” thành "Phí thẩm định chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác (C/C)” để tránh nhầm lẫn với "Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu”.

Xem thêm

Đức Quỳnh