|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP cầu cứu vì giá cước vận tải biển và thiếu container hàng

13:55 | 06/07/2021
Chia sẻ
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) kiến nghị Bộ NN&PTNT có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container (cont) đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hội viên trong thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tuỳ chặng, tuỳ hãng) trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được cont/chặng tàu cho nhiều chặng quan trọng.

Điều này gây ra tình trạng khó khăn đột ngột, ùn ứ và chi phí đội lên rất cao cho ngành xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói riêng và các ngành có xuất khẩu nói chung.

Giá thuê container và phụ phí cao ngất    

Từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont, đến tháng 5 là 9.100 USD/cont

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont, đến tháng 5 là 8.000 USD/cont

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20 feet (ft) thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont 20 ft (hãng tàu Happloy, Evergreen) đến 7.000 USD/cont 20ft (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20ft.

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva) thì trước đây chỉ là 2.100 - 2.300 USD/cont 20 ft thì đến tháng 1 đã lên đến 8.000 USD/cont 20 ft.

Ngay cả cước phí vận tải biển đi từ các nước khác cũng đang tăng cao kỷ lục. Theo Hãng tin Bloomberg, phí vận chuyển một container 40 ft từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) ngày 27/5 đã đạt mức 10.174 USD, cao hơn 3,1% so với trước đó 1 tuần và tăng 485% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá tổng hợp của 8 tuyến đường vận tải biển chính trên thế giới cũng đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến các nhà xuất nhập khẩu rơi vào tình cảnh khó khăn. Ở Mỹ và nhiều nơi khác trong năm nay, nhiều chủ hàng đã phải trả mức phí hơn 10.000 USD cho mỗi container hàng.

Bên cạnh đó, vào cuối tháng 10/2020, nhiều hãng tàu vận tải container như Wan Hai Lines Ltd., Heung A Line, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor (Vietnam), Cosco Shipping Lines, Nam Sung Shipping Vietnam, Ever Green Shipping Agency, KMTC Lines,… đã đồng loạt gửi thông báo đến các khách hàng yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR) đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á.

Mức tăng từ 50 – 200 USD/cont và bắt đầu áp dụng luôn từ 01/11/2020, tức là chỉ vài ngày sau ngày gửi thông báo tới các khách hàng.

Ngoài phí RR vừa tăng, Hãng tàu Yaming Shipping Vietnam ngày 6/11/2020 cũng ra thông báo tăng phí Peak Season Surcharge (Phụ phí mùa cao điểm) từ 150 – 450 USD.

"Đấu giá" để thuê container

VASEP cho hay mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, trong tháng 12/2020 doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.

Trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container.

Thậm chí các doanh nghiệp đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp kia trả cước cao hơn.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3/2021 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.

Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lần đầu vào (các lô nguyên liệu NK) của doanh nghiệp đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được container vận chuyển.

Ngày 17/12/2020, VASEP đã gửi Công văn số 144/CV-VASEP tới Bộ Giao thông Vận tải/Cục Hàng hải phản ánh về bất cập nói trên. Thời gian qua, Cục Hàng hải cũng đã chủ động có một số cuộc họp với các Hiệp hội xuất nhập khẩu của Việt Nam và đại diện các hãng tàu để tìm giải pháp giải quyết tình hình. Tuy nhiên, đến nay (tháng 5) cước phí vận tải tàu biển vẫn tiếp tục tăng cao và tình trạng thiếu container càng ngày càng nghiêm trọng.

Phải chăng có việc "găm" container để thổi giá thuê?

VASEP cho hay nhiều yếu tố đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Do dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê cont tăng quá cao và doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thuê được cont hàng để xuất nhập hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.

Theo các doanh nghiệp, nếu các công ty sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn thì sẽ dễ dàng được chấp nhận booking hơn và nếu booking qua các đại lý cũng dễ dàng hơn so với trực tiếp đặt booking với các hãng tàu.

VASEP cho rằng nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản nói riêng và các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.