VARS: Thị trường bất động sản năm 2023 khó ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ mới đạt gần 180.000 sản phẩm nhưng sang đến 2019 con số này giảm xuống còn gần 110.000 và chỉ hơn 90.000 sản phẩm ở năm 2020.
Năm 2021, khi nền kinh tế chịu tác động của COVID-19 và các biện pháp giãn cách, lĩnh vực bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về chính sách, pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ kéo nguồn cung căn hộ mới xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.
Báo cáo thị trường 9 tháng đầu năm 2022của VARS cho thấy, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tổng cung 9 tháng đầu năm đạt 41.886 sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.
Lực cầu mạnh nhưng tỷ hấp thụ không cao vì ít sản phẩm phù hợp với phân khúc và giá thành cao. Trung bình 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ đạt 43%, riêng quý III tỷ lệ này là 33,5% giảm mạnh so với hai úy trước.
VARS ước tính trong tháng 10, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường nhỏ hơn 10%, mức thấp kỷ lục và khá giống giai đoạn năm 2010 - 2011.Các khu vực có thị trường bất động sản sôi động trong năm 2022 như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định,… đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai, lùi lịch mở bán dự án để chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Có doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự vì thiếu vốn và doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao. Ở phía người đi vay mua nhà cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Ba tháng cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản nhưng theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường ba tháng cuối năm nay khả năng khó được như những năm trước. Đến năm 2023, cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông.
Việt Nam hiện chưa có hoặc chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở,... nên hệ thống vay của các doanh nghiệp bất động sản gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, mà cả hai kênh dẫn vốn này đều đang bị "nghẽn”.
Theo VARS, để người dân giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở, cần khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn vốn như các quỹ đầu tư tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động,... nhằm khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nhà ở, nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp cần được tạo điều kiện hoãn nợ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Khi đó, các dự án có thể được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa Luật, bám sát thực tế, quá trình sửa Luật cần thường xuyên được cập nhật và công khai để xã hội nắm bắt, củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư số 3 của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý cần có phương án phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, không nên dễ dàng đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.