Vào mùa đại hội, ngành ngân hàng tỏa 'sức nóng'
“Nóng” từ câu chuyện tái cơ cấu…
Theo thông báo từ Sacombank, ngày 28/4 tới đây, Ngân hàng sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017. HĐQT Sacombank nhiệm kỳ mới sẽ giữ nguyên số lượng 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập và tối thiểu một nửa tổng số thành viên HĐQT phải là người không tham gia điều hành Ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, NHNN chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ.
Sở dĩ ĐHCĐ của Sacombank được cổ đông, cũng như thị trường đón đợi là bởi đã 2 năm ngân hàng này chưa tổ chức ĐHCĐ, trong khi đang xuất hiện 2 nhóm nhà đầu tư “đánh tiếng” với NHNN sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu Sacombank.
Năm qua, Sacombank ước đạt 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng sau trích lập dự phòng rủi ro, con số này chỉ còn 531 tỷ đồng, giảm 64% so với thực hiện năm 2015.
Eximbank cũng dự kiến họp ĐHCĐ trong tháng 4, cụ thể là ngày 21/4. Theo đó, năm 2017, Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 600 tỷ đồng, tăng tới 53,6 so với thực hiện năm 2016. Để đạt được điều này, Eximbank đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng từ 13-16%, đạt 108.870 tỷ đồng và huy động đạt 120.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng trưởng 16,47%, đạt 150.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Với tỷ lệ CAR ở mức rất cao là 16,7% trong năm 2016, Eximbank đã không đề xuất các phương án tăng vốn trong năm nay. Tuy nhiên, vấn đề nóng hơn tại ĐHCĐ Eximbank chính là nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT, khi Ngân hàng có thể tăng số lượng thành viên HĐQT từ con số 8 lên 11 thành viên trong nhiệm kỳ 2015-2020. Được biết, danh sách các ứng viên đã được NHNN phê duyệt, song 3 cái tên mới vẫn đang được giữ kín.
Còn nhớ năm ngoái, câu chuyện nhân sự cấp cao tại Eximbank đã trở thành đề tài sôi nổi trong giới đầu tư tài chính, khi các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và mâu thuẫn kéo dài. Đây là lý do chính khiến 2 lần ĐHCĐ thường niên 2016 của Eximbank đều bất thành, ngay cả ĐHCĐ bất thường sau đó cũng buộc phải tạm hoãn để chờ NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu.
… đến vấn đề “muôn thuở”: Cổ tức!
Cổ tức thấp là chuyện ngành ngân hàng kể suốt hơn 5 năm qua. Chưa hết, trong năm ngoái nổi lên chuyện yêu cầu BIDV và VietinBank phải trả cổ tức bằng... tiền mặt. Vậy nên, vấn đề cổ tức được dự báo sẽ tiếp tục nóng, dù hầu hết các ngân hàng đều "dấu" công bố sớm cổ tức dự kiến.
ĐHCĐ ACB dự kiến diễn ra vào ngày 10/4 tại TP.HCM. Năm ngoái, ACB đạt 1.667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng rủi ro), tăng 27% so với năm 2015. Năm nay, ACB trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với 2016. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức NHNN phân bổ là 16%.
Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản cũng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu dự báo dưới 2%... Năm 2017, ACB tiếp tục tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu, nhất là các khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty con của “bầu” Kiên, thay vì kéo dài sang năm 2018 theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt.
Vietcombank dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 28/4 để thông qua các nội dung như phương án tăng vốn điều lệ và kế hoạch kinh doanh năm 2017, phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2016; tờ trình miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018.
Năm 2016, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.517 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015. Nợ xấu tính đến cuối năm 2016 là 6.835 tỷ đồng, chiếm 1,48% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm là 1,84%.
BIDV cho biết, sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 22/4. Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của BIDV đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2015. Cho vay khách hàng đạt 723.000 tỷ đồng, tăng 20,9%. Tiền gửi của khách hàng đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 28,7%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm gần 3%, đạt 7.734 tỷ đồng.
Ngoài các “ông lớn”, những ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, SCB… cũng thông báo sẽ tiến hành họp ĐHCĐ vào giữa tháng 4 này.
Có thể thấy, mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay đến sớm hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến chương trình họp, trong đó có vấn đề cổ tức, vẫn được các ngân hàng giữ kín. Trong vài năm qua, nhiều ngân hàng không chia cổ tức.
Vì vậy, sau một năm 2016 được đánh giá thành công, các cổ đông đang mong chờ có được một mức cổ tức cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, việc chia cổ tức là điều không dễ dàng, nhất là với những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc.