|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vẫn thiếu vắng doanh nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp

20:53 | 25/08/2016
Chia sẻ
Dù số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng lên nhưng so với yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ chiếm trên 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, và trong số 1% nhỏ nhoi đó, 99% là các nhỏ và siêu nhỏ.
van thieu vang doanh nghiep trong tai co cau nong nghiep
Doanh nghiệp là trung tâm trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Trúc Diễm

Quá trình tái cơ cấu mới chỉ là bước đầu

Theo báo cáo tại trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra ngày hôm nay, 25-8, tại Hà Nội, sau ba năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013-2015), mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng sản xuất vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tốc độ tăng GDP trung bình ngành nông nghiệp đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỉ đô la Mỹ, trung bình đạt gần 29,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Đáng chú ý, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp như TH True Milk, VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế, tăng trưởng của ngành chưa bền vững.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục như sức cạnh tranh chưa cao, chuỗi giá trị ngắn. Ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt có 13 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,3 héc ta. Ngoài ra, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường rất bấp bênh, không bền vững, thậm chí có thị trường đang đe dọa giảm kim ngạch nhập khẩu, như mặt hàng lúa gạo, thủy sản…

Về tổ chức sản xuất, dù số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng lên nhưng so với yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ chiếm trên 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong số 1% đó, 99% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam còn phải chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu mà theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là “nghiêm trọng hơn dự báo” cả về cường độ và phạm vi ảnh hưởng.

Xây dựng ba trục sản phẩm

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ xây dựng hình thành ba trục theo cấp độ sản phẩm để thực hiện tái cơ cấu. Ở cấp quốc gia, sẽ chọn 10 sản phẩm có lợi thế, có giá trị và độ bền vững cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, coi đây là ngành hàng quốc gia. Căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, độ mở thị trường sẽ mở rộng thêm sản phẩm.

Trục thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh, là những sản phẩm mang tính lợi thế, đặc thù của tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn… Sản phẩm cũng phải tính đến thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trục thứ ba là sản phẩm quy mô cấp địa phương. Tuy sản phẩm địa phương nhưng vẫn phải có công nghệ chế biến. Thị trường là tại chỗ và có cả thị trường xuất khẩu. Đây là mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đang được thực hiện rất thành công tại Quảng Ninh.

“Ba trục đó hình thành nên tái cơ cấu đồng bộ và coi thị trường là động lực của sản xuất. Trong sản xuất, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trụ cột. Đặc biệt đối với sản phẩm quốc gia, những chính sách ưu tiên khuyến khích sẽ tương xứng với tầm vóc để thu hút doanh nghiệp”, ông Cường nêu rõ.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, cần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu của ba trục trên ở mọi cấp độ. Các đơn vị rà soát để kiến nghị, điều chỉnh sao cho thúc đẩy doanh nghiệp trở thành hạt nhân. Trong khung chính sách cũng phải có chế tài quản lý, có sự giám sát chặt chẽ trong các khâu để sản xuất phải nghiêm, đặc biệt là tránh gian lận thương mại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn, cho hay để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, việc quan trọng là phải thu hút được doanh nghiệp lớn, xuyên quốc gia để liên kết vùng, tạo thành chuỗi giá trị mạnh, từ đó xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo uy tín cho nông sản Việt Nam.

“Muốn như vậy, phía cơ quan chức năng phải làm thế nào tạo đột phá về đất đai, tích tụ đất vào tay những người làm ăn giỏi, phải chuyển quản lý theo cơ chế thị trường, không nhất thiết đất đai phải đi cùng cây lúa mà có thể là thủy sản, cây trồng có giá trị gia tăng…, có như vậy mới chuyên canh và thu hút doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Theo Trúc Diễm

TBKTSG